Chào bạn Tuyết, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Chuyên mục Hỏi đáp Chuyên gia của Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến, nhất là trong điều trị ung thư cổ tử cung theo phác đồ đa mô thức. Phương pháp xạ trị tiêu diệt và phá hủy các tế bào ung thư thông qua các hạt hoặc sóng năng lượng cao như tia X, tia gamma, các chùm electron hoặc proton. Cụ thể, xạ trị thường được thực hiện trong hai giai đoạn: xạ trị ngoài và xạ trị trong.
Với xạ trị ngoài, bác sĩ sẽ tiến hành chiếu bức xạ mang năng lượng cao từ bên ngoài để phá vỡ và tiêu diệt tế bào ung thư. Mỗi lần xạ trị ngoài chỉ kéo dài vài phút và hoàn toàn không gây đau đớn.
Còn xạ trị trong (hay xạ trị áp sát cổ tử cung) được thực hiện bằng cách đặt nguồn bức xạ ở gần vị trí ung thư, có thể là trong âm đạo hoặc cổ tử cung, thường được tiến hành cùng xạ trị ngoài. Xạ trị trong bao gồm xạ trị trong liều thấp (diễn ra liên tục trong vài ngày, người bệnh cần điều trị nội trú trong phòng được trang bị dụng cụ giữ chất phóng xạ tại chỗ) và xạ trị trong liều cao (thường diễn ra cách tuần, vật chất phóng xạ được đặt vào và lấy ra trong vòng vài phút, người bệnh có thể điều trị ngoại trú, không cần nằm viện).
Bạn nên lưu ý, khi điều trị ung thư bằng xạ trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt,… Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể cải thiện dần trong vài tuần sau khi ngừng trị liệu. Khi được chỉ định tiến hành xạ trị, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và nhận được sự chăm sóc chu đáo để nâng cao sức đề kháng, giảm tối đa tác dụng phụ.