Xin giải đáp câu hỏi của bạn!
Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và lượng hồng cầu trong máu ngoại vi, dẫn đến thiếu O2 cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm lượng huyết sắc tố là quan trọng nhất vì huyết sắc tố vận chuyển O2.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh thiếu máu sẽ dựa trên các chỉ số sau:
+ Số lượng hồng cầu: người Việt Nam bình thường có số lượng hồng cầu trong khoảng 3,8 – 4,5 T/l. ở Nữ thấp hơn ở nam.
Nếu hồng cầu dưới 3,8 T/l là thiếu máu. Nếu hồng cầu trên 5,5 T/l là đa hồng cầu.
+ Hình thái hồng cầu: thường người ta quan sát hình thái hồng cầu trên phiến kính nhuộm giemsa, tại những vị trí hồng cầu trải đều không chồng chất lên nhau. Bình thường hồng cầu hình tròn màu hồng, ở giữa hơi nhạt hơn.
Trong bệnh lý thiếu máu có thể thấy:
– Hồng cầu nhạt màu, hình nhẫn, hồng cầu bóng ma trong thiếu máu nhược sắc nặng.
– Hồng cầu đa hình thể: hình quả lê, hình bầu dục, quả chùy, răng cưa… trong thiếu máu nặng.
– Hồng cầu hình bia bắn, hình lưỡi liềm, hình bi… trong thiếu máu huyết tán bẩm sinh di truyền.
– Có những thể bất thường trong hồng cầu: như thể Jolly, vòng Cabott là những di sót của nhân do quá trình chuyển hoá quá vội vàng của hồng cầu non trong tủy xương, gặp trong thiếu máu huyết tán hoặc thể Heinz, hạt kiềm… gặp trong thiếu máu do nhiễm độc một số hoá chất (nhiễm độc TNT, chì vô cơ…).
– Có thể thấy nguyên hồng cầu trong máu ngoại vi, gặp trong thiếu máu huyết tán, thiếu máu sau chảy máu cấp, bệnh lách sinh tủy…
+ Kích thước hồng cầu: hồng cầu bình thường có đường kính khoảng 7mm. Trong thiếu máu có thể thấy:
. Hồng cầu bé (microcyte) d = 5 – 6 mm, gặp trong thiếu máu thiếu sắt
. Hồng cầu to (macrocyte) d = 9 – 12 mm, gặp trong thiếu máu do thiếu acid folic, vitamin B12.
Ngoài ra thiếu máu có thể phát hiện khi làm các xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn như kiểm tra hemoglobin, xét nghiệm đếm hồng cầu lưới để xem tủy xương sản xuất hồng cầu như thế nào. Kiểm tra về sắt để đo lượng sắt dự trữ trong cơ thể và trong máu….
Khi bị thiếu máu, người bệnh có thể thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm, nhất là khi thiếu máu nhiều; nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay; hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim; chán ăn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Người bệnh có thể tự nhận biết hoặc do người khác phát hiện ra như: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc có thể kèm theo sạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hóa sắt. Đặc biệt có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay… hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng… Nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm hơn.
Nếu bạn có nhu cầu thăm khám và xét nghiệm thiếu máu thì có thể đặt lịch hẹn khám qua tổng đài 1900 5588 92 của Hệ thống Y tế Thu Cúc để được hướng dẫn cụ thể. Xin cảm ơn