Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục. Với câu hỏi của bạn tôi xin được trả lời như sau:
Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng chế độ dinh dưỡng của trẻ không đủ đảm bảo để cung cấp các nguyên liệu tạo máu cho trẻ: sắt, axit folic, chất đạm, vitamin B6, B12, vitamin C,…. và một số chất khác. Quá trình tạo máu của cơ thể luôn cần đầy đủ chất cần thiết, vì vậy khi thiếu một trong các thành phần này thì cơ thể đều không thể tạo máu và gây ra tình trạng thiếu máu.
Khi bị thiếu máu dinh dưỡng, trẻ thường có đặc điểm:
– Trẻ da xanh tái, lòng bàn tay nhợt nhạt, không hồng hào.
– Trẻ khi vui đùa thường nhanh mệt, thở dốc, ngại vận động mạnh, hơi thở nông và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
– Trẻ biếng ăn, môi thường khô, tóc xơ rối và dễ rụng.
– Cân nặng của trẻ thường xuyên bị sụt.
– Với trẻ nhỏ, thường chậm biết đi, cân nặng và chiều cao tăng trưởng chậm hơn bình thường
Ngoài ra, một số trẻ thường kèm theo dấu hiệu bệnh nền như đau thượng vị, ở trẻ nữ bị rối loạn kinh nguyệt,….
Như đã đề cập ngay đầu vấn đề, thiếu một thành phần tạo máu đều dẫn đến thiếu máu, chính vì thế nguyên nhân của thiếu máu dinh dưỡng không hẳn là thiếu sắt, một số nguyên nhân phổ biến thường gặp là:
– Thiếu sắt: Do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan mà cơ thể trẻ không được tiếp nhận đầy đủ lượng sắt cần thiết để tạo Hemoglobin như: trẻ thiếu máu từ trong thai kỳ, trẻ không được nuôi con bằng sữa mẹ trong những tháng đầu đời, chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc do cơ địa kém hấp thu sắt ở trẻ.
– Thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khác để tạo máu như axit folic, vitamin B6, B12,….do khẩu phần ăn không hợp lý.
– Trẻ bị nhiễm giun sán: Giun sán ký sinh trong cơ thể và hấp thụ dinh dưỡng, các sinh vật này cũng làm lan truyền các vi khuẩn, virus gây hại cơ thể và ăn chặn chất dinh dưỡng, cản trở quá trình tạo máu. Mặc dù thời nay tỷ lệ trẻ mắc giun sán giảm đi rất nhiều song không phải vì thế mà cha mẹ chủ quan tẩy giun sán cho bé.
– Trẻ gặp phải các vấn đề bệnh lý khác: một số trẻ mắc phải các bệnh về hệ tiêu hóa như đau dạ dày, viêm loét dạ dày,… gây nên tình trạng chảy máu bên trong, trẻ cũng xuất hiện tình trạng mất máu một cách âm thầm mà cha mẹ không nhận ra.
Như vậy cách tốt nhất khi bạn nghi ngờ bé bị thiếu máu là đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Trên đây là câu trả lời dành cho bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục.