Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục dinh dưỡng của Hệ thống Y tế Thu Cúc.
Bạn Huyền thân mến, tôm nói riêng và các loại hải sản nói chung đều là những thực phẩm giàu đạm, omega và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm, bạn không nên cho con ăn tôm cũng như các thực phẩm giàu đạm khác ngay vì rất dễ gây dị ứng cho trẻ. Sau khi bé làm quen với ăn dặm khoảng 1 tháng thì có thể bổ sung tôm, cá vào thực đơn để trẻ làm quen dần. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo về lượng tôm, cá trong thực đơn của trẻ:
– Trẻ 7-12 tháng: mỗi bữa có thể ăn 20-30g thịt của cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối đa ăn 3-4 bữa/tuần.
– Trẻ 1-3 tuổi: mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún, súp…, mỗi bữa ăn 30- 40g thịt hải sản.
– Trẻ từ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1-2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt của hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn ½ con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g).
Trong trường hợp khi cho trẻ ăn tôm cũng như hải sản có vỏ gặp các dấu hiệu sau đây, có nghĩa trẻ đã bị dị ứng với thành phần trong thức ăn, hãy ngừng cho trẻ ăn các thực phẩm này:
– Hắt hơi, ho, chảy nước mắt, sổ mũi, ngứa rát cổ họng, sưng môi, khó thở…
– Da bị nổi mề đay, phát ban, mẩn đỏ ngứa, viêm da dị ứng…
– Trẻ bị buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…
– Sốc phản vệ: Huyết áp giảm, tim đập nhanh, nổi mề đay khắp người, da tái lạnh nhợt nhạt, chóng mặt, mất ý thức…
Nếu các dấu hiệu vẫn liên tục gia tăng, hãy nhanh chóng đưa trẻ nhập viện để điều trị dị ứng.
Trên đây là một số thông tin tôi muốn cung cấp tới bạn liên quan tới câu hỏi khi nào có thể cho con ăn tôm. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục Dinh dưỡng của chúng tôi!