Bạn thân mến! Sỏi bàng quang tuy ít gặp hơn sỏi thận nhưng cũng có thể gây nên những biến chứng nặng nề nếu không kịp thời điều trị. Hiện nay, tùy vào kích thước của sỏi bàng quang và tình trạng cơ thể lúc thăm khám mà bạn được tư vấn các phương pháp điều trị thích hợp. Những phương pháp phổ biến như sau:
– Uống nhiều nước và điều trị nội khoa: Đối với sỏi có kích thước nhỏ dưới 5 mm, ít triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bạn chỉ cần uống nhiều nước (từ 2 – 2.5 lít nước/ngày) hoặc kết hợp với một số loại thuốc làm giãn cơ trơn, thuốc giảm đau… để đào thải sỏi ra ngoài. Bạn cũng được chỉ định một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh… đối với sỏi nhỏ vừa rơi xuống từ niệu quản.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Khi sỏi lớn hơn không thể đi qua đường tiểu thì áp dụng phương pháp này. Bác sĩ sẽ đưa ống soi qua niệu đạo, vào bàng quang, tìm các viên sỏi ở đó và dùng tia laser để “bắn phá” làm vỡ sỏi thành những viên rất nhỏ, từ đó sỏi sẽ được lấy ra ngoài.
– Mổ mở để lấy sỏi ra ngoài: Đối với những viên sỏi rất to, thường lớn hơn 3 cm, đi kèm các bệnh lý khác và không thể tán, khi đó bắt buộc phải mổ mở.
Tốt nhất với trường hợp của bạn, cần nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Sỏi bàng quang cũng như bất cứ loại sỏi tiết niệu nào càng điều trị sớm thì càng đơn giản, nhanh chóng, giảm bớt đau đớn, tiết kiệm thời gian và tiền bạc nên đừng chần chừ bạn nhé . Chúc bạn chóng khỏe!