Chào bạn,
Việc chọn cơ sở y tế phối hợp với doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên cần tuân thủ theo quy định của Thông tư 14/2013/TT-BYT về Hướng dẫn khám sức khỏe.
1. Điều kiện về nhân sự
Theo quy định, các y bác sĩ tham gia khám lâm sàng và cận lâm sàng cần có các chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Đối với các bác sĩ trực tiếp thực hiện các kỹ thuật lâm sàng như: chụp X – quang, siêu âm, lấy máu xét nghiệm là người có chuyên môn, cần phải có cả chứng chỉ hành nghề và bằng cấp chứng minh họ có chuyên môn thực hiện những kỹ thuật kể trên.
Các bác sĩ kết luận khám phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Đầu tiên, bác sĩ cần sở hữu chứng chỉ hành nghề, đồng thời phải có kinh nghiệm khám và điều trị bệnh từ 54 tháng trở lên. Đồng thời, họ phải được cơ sở y tế ủy quyền thực hiện kết luận về tình hình sức khỏe.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất
Đầu tiên, các cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe cho doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ hệ thống phòng khám theo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đã quy định. Đồng thời, cơ sở y tế phải đáp ứng được nội dung khám sức khỏe cơ bản mà doanh nghiệp yêu cầu. Bên cạnh đó, họ cần có đầy đủ các thiết bị chuyên môn phục vụ việc khám sức khỏe.
Sau khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí kể trên, cơ sở y tế phải chuẩn bị một số tài liệu để làm hồ sơ công bố đủ điều kiện khám sức khỏe. Các loại hồ sơ cần thiết bạn cần chuẩn bị có thể kể đến như: văn bản công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, danh sách người tham gia khám sức khỏe, giấy tờ liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị,…
3. Quy trình khám sức khỏe cho doanh nghiệp
Trước tiên, người lao động sẽ được đo các chỉ số cơ bản, ví dụ như: chiều cao, cân nặng và đo huyết áp. Sau đó, họ được khám cận lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chụp X – quang và siêu âm,… Sang tới bước khám lâm sàng, bạn sẽ được kiểm tra tổng quát, bao gồm khám tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt,…
Khi chọn cơ sở y tế khám định kỳ, bạn nên cân nhắc những yếu tố trên để chọn được địa chỉ phù hợp, uy tín.