Chào bạn!
Với câu hỏi của bạn tôi xin được giải đáp như sau:
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ. Điều đáng ngại nhất là ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi thấy ra máu âm đạo bất thường hoặc ra máu khi giao hợp thì thường đã muộn. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, kể cả phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn mở rộng và phối hợp hóa chất, tia xạ cũng không mang lại hiệu quả điều trị cao. Người bệnh gặp kết cục di căn nặng nề, đau đớn trước khi tử vong.
Vi rút gây u nhú (sùi mào gà) HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung. Có tới 95-97% phụ nữ bị ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV. Các yếu tố nguy cơ khác phải kể đến là: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, viêm nhiễm kéo dài,…
Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tỷ lệ điều trị khỏi là 80 – 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm còn 75% ở giai đoạn 2; 30 – 40% ở giai đoạn 3 và dưới 15% ở giai đoạn 4. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên chị em phụ nữ có thể chủ quan, không quan tâm đến bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 – 49 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm xét nghiệm sớm hơn nếu thấy biểu hiện bất thường.
Nên bắt đầu sàng lọc sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ do bác sĩ tư vấn và tùy thuộc kết quả xét nghiệm.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư cổ tử cung. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại gửi câu hỏi về cho chúng tôi nhé.