Chào bạn,
Theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Căn cứ quy định trên, thì đối với người lao động chưa thành niên được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Nội dung khám sẽ tuân thủ theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về Hướng dẫn khám sức khỏe, bao gồm:
– Khám thể lực: Đo chỉ số chiều cao, cân nặng, kiểm tra mạch đập, chỉ số huyết áp, tính chỉ số BMI.
– Khám lâm sàng: Khám thị lực, tai mũi họng, răng hàm mặt, khám da liễu, khám ngoại khoa, nội khoa (cơ xương khớp, tuần hoàn, hô hấp…). Người lao động nữ sẽ được có thêm danh mục khám sản và phụ khoa.
– Khám cận lâm sàng: Thực hiện xét nghiệm huyết học, sinh hóa, chụp X-quang.
Trong trường hợp, doanh nghiệp có tính chất đặc thù và có bộ tiêu chuẩn riêng về yêu cầu sức khỏe thì danh mục khám của doanh nghiệp sẽ bao gồm những nội dung khám đáp ứng bộ tiêu chuẩn sức khỏe của chuyên ngành đó.
Chi phí tổ chức khám sức khỏe định kỳ được tính vào chi phí phúc lợi của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức chi khác nhau cho hoạt động khám sức khỏe cho người lao động. Vì thế, doanh nghiệp sẽ có thể tùy chọn nhiều danh mục khám khác nhau trong gói khám định kỳ.