Chào bạn,
Tình trạng kinh nguyệt thất thường có thể xảy ra ở nhiều người và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, bất thường của tuyến nội tiết là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
Mỗi giai đoạn của người phụ nữ gồm tuổi dậy thì, mang thai, sinh con, cho con bú, mãn kinh đều sẽ làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
Ở tuổi dậy thì, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi lớn, lượng estrogen và progesterone khó có được sự cân bằng. Đây cũng là giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt xảy ra nhiều bất thường hơn cả. Trong khi đó, ở giai đoạn tiền mãn kinh, sự suy giảm hoạt động của buồng chứng dẫn tới các nội tiết tố nữ cũng thay đổi, từ đó gây ra những xáo trộn chu kỳ và lượng máu ở mỗi kỳ kinh.
Trong suốt thời gian mang thai, bạn sẽ không có kinh nguyệt. Sau khi sinh, chu kỳ kinh trở lại sớm hay muộn, hoạt động có bình thường không còn do cơ địa của từng chị em.
Bên cạnh đó, một số tổn thương thực thể như chửa ngoài tử cung, dọa sảy, polyp cổ tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư niêm mạc hoặc cổ tử cung, u tuyến yên, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung…đều có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng (thay đổi thói quen ăn uống, tăng cân hoặc giảm cân quá mức), chế độ vận động cũng như việc sử dụng một số loại thuốc (thuốc tránh thai, thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường…) cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Đôi khi thay đổi môi trường như chuyển nơi ở, thay đổi công việc hay chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, gia đình khiến cho người phụ nữ cảm thấy chán nản cũng có thể làm rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm trạng, nhan sắc, kết quả học tập, làm việc mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm “vùng kín”, nguy cơ vô sinh ở phụ nữ.
Tốt nhất, bạn nên đi khám để biết mình có gặp phải các vấn đề về nội tiết tố không, hay có nguyên nhân nào gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.