Chào bạn,
Khi tham gia lao động thì sức khỏe của người lao động sẽ được đặt lên hàng đầu. Với lao động nữ, pháp luật quy định như sau:
1. Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ
Điều 6 Nghị định 85/2015/NĐ-CP hướng dẫn bộ luật lao động về lao động nữ quy định về cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ như sau:
Thứ nhất: Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ hai: Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
2. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ được quy định như thế nào?
Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP hướng dẫn bộ luật lao động về lao động nữ quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ như sau:
Thứ nhất: Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Thứ hai: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
– Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng
– Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động
– Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ
Thứ ba: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
– Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi
– Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động
Thứ tư: Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Thứ năm: Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
3. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP hướng dẫn bộ luật lao động về lao động nữ quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai như sau:
Thứ nhất: Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Thứ hai: Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Thứ ba: Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.