Chào bạn,
Pháp luật có quy định cụ thể về việc bảo vệ sức khỏe người lao động như sau:
1. Chế độ khám sức khoẻ
Khám sức khoẻ khi tuyển dụng lao động là quy định bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động, là cơ sở để sắp xếp, bố trí công việc cho người lao động một cách hợp lí, phát huy được khả năng lao động của chính người lao động, tạo cho họ cơ hội làm việc lâu dài, ổn định với đơn vị sử dụng lao động.
Trong quá trình sử dụng lao động, hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kì cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề. Lao động dưới 15 tuổi phải được khám sức khoẻ định kì ít nhất 6 tháng một lần. Đối với người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp thường xuyên theo quy định, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật… (Điểm c khoản 1 Điều 145 Bộ luật lao động năm 2019).
Đảm bảo hơn nữa về chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, pháp luật cũng ghi nhận thêm về trách nhiệm tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyên sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khoẻ, tiếp tục trở lại làm việc. Việc tổ chức khám sức khoẻ, phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động được quy định cụ thể với các yêu cầu về chuyên môn y tế (Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015). Chi phí cho hoạt động khám sức khoẻ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả. Người sử dụng lao động phải quản lí hồ sơ sức khoẻ của người lao động và hồ sơ theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế.
2. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật
Bồi dưỡng bằng hiện vật là việc sử dụng một số hiện vật có giá trị dinh dưỡng cao có tác dụng giảm bớt hậu quả của các yếu tố độc hại, bù đắp hao phí sức lao động trực tiếp nhằm bồi dưỡng sức khoẻ, tăng sức đề kháng và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Đối tượng người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật là người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại (Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015). Việc xác định các yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định với các nội dung về điều kiện, mức bồi dưỡng, cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng (Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại).
Bồi dưỡng bằng hiện vật phải đảm bảo những nguyên tắc giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm và thực hiện trong ca, trong ngày làm việc. Việc trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật đều là những hành vi bị cấm, nhằm đảm bảo đúng mục đích của chế độ.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất và có giá trị bằng tiền tương ứng với 4 mức (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH). Trên cơ sở đó, pháp luật khuyến khích người sử dụng lao động nâng cao mức bồi dưỡng hơn, các bên cũng có thể thỏa thuận mức cao hơn so với mức luật định trong các thỏa ước tập thể và các thỏa thuận khác.
3. Các quy định về thời giờ làm việc
Người lao động chỉ có khả năng thực hiện hoạt động lao động trong một giới hạn nhất định. Để có thể tiếp tục làm việc hiệu quả, người lao động phải có thời gian nhất định dành cho nghỉ ngơi. Đó chính là giai đoạn người lao động tái sản xuất sức lao động. Nếu không giới hạn thời giờ làm việc, việc người lao động làm quá sức có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ, thậm chí dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, dưới góc độ bảo vệ sức khoẻ người lao động, các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thuộc phạm trù bảo hộ lao động. Việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lí có ý nghĩa đảm bảo nhu cầu tự nhiên của con người đồng thời giúp tăng cường hiệu quả của quá trình lao động và hạn chế tai nạn lao động xảy ra.
Với mục đích bảo vệ người lao động, pháp luật lao động quy định về thời giờ làm việc tối đa và thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cũng như các quy định riêng đối với lao động đặc thù.