Chào chị Thảo, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Hỏi – Đáp của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI. Với câu hỏi của chị, chúng tôi xin phép được giải đáp như sau:
Theo nghiên cứu, tiền sử gia đình là một trong những nguyên nhân phổ biến góp phần làm tăng nguy cơ ung thư vú. Khoảng 5 đến 10% các trường hợp ung thư vú là do di truyền và gây ra bởi các đột biến di truyền trong gen BRCA1 (gen ung thư vú 1) và BRCA2 (gen ung thư vú 2) được truyền từ cha mẹ sang con cái.
Khoảng 30% phụ nữ ung thư vú có ít nhất một người trong gia đình bị ung thư vú trước đó như mẹ, cô, dì hoặc chị em gái. Chị Thảo có nguy cơ mắc ung thư vú gấp 2 lần nếu mẹ cũng bị bệnh ung thư vú. Càng nhiều người trong gia đình có ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Nếu nằm trong nhóm người có những yếu tố nguy cơ cao hơn với mắc ung thư vú, có thể chị sẽ cần phải thực hiện nhiều loại khám sàng lọc khác nhau (ngoài việc tự khám vú) và cần khám sáng lọc thường xuyên hơn.
Việc tầm soát và sàng lọc sớm ung thư vú đã trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ y học hiện đại. Một số phương pháp phổ biến thường được sử dụng hiện nay là:
– Siêu âm vú là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú, giúp phát hiện những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm. Khi sử dụng phối hợp với chụp X-quang tuyến vú, siêu âm làm tăng độ nhạy của việc sàng lọc.
– Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.
– Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.
– Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm. Có nhiều phương pháp sinh thiết khác nhau, tùy vào từng người bệnh cụ thể bác sỹ sẽ đưa ra chỉ định sinh thiết phù hợp.
Khi đi khám bác sĩ sẽ có những tư vấn và khuyến nghị thực hiện cụ thể dành cho chị Thảo. Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “Tỷ lệ di truyền ung thư vú từ mẹ sang con là bao nhiêu %?”, mong rằng câu trả lời này đã giải đáp được thắc mắc của chị Thảo.