Chào bạn Thu, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bệnh viện Thu Cúc. Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai. Có 9 cơ chế gây bệnh tiểu đường thai kỳ là: Hiện tượng kháng Insulin tế bào, Yếu tố béo phì và tiểu đường, rối loạn cơ quan thụ cảm của Insulin, Rối loạn vận chuyển glucose và hoạt động của Insulin, rối loạn chức năng đảo tụy, cơ chế tự miễn, cơ chế di truyền, yếu tố thai nhi, Yếu tố viêm nhiễm trong đó hiện tượng kháng Insulin tế bào được coi là cơ chế hay gặp nhất của tiểu đường thai kỳ. Sự thay đổi này phần lớn là do có sự xuất hiện và tăng cao của các hormone thai nghén.
Tiểu đường thai kỳ gây nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ sơ sinh (làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong).
– Với thai phụ: tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ các biến chứng cho mẹ như rối loạn chuyển hóa nhiễm khuẩn, tổn thương thận, mắt, mạch vành. Một số biến chứng sản khoa có thể gặp như: rối loạn tăng huyết áp khi có thai, tiền sản giật, đẻ khó, sang chấn trong đẻ, chảy máu sau đẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai do thai to. Về lâu dài phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ đái thái đường tuýp 2 (khoảng 30-35%), béo phì, tăng cân quá mức, tăng nguy cơ đái tháo đường cho những lần có thai sau (khoảng 30-69%).
– Với em bé: Đái tháo đường ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Gây khả năng xảy thai tự nhiên, thai lưu, dị tật bẩm sinh (khoảng 8-13%) và một số dị tật có thể gặp như tổn thương hệ thần kinh, tim, các mạch máu lớn, hệ xương, hệ tiết niệu (thường rơi vào giai đoạn 3 tháng đầu). Tăng tỷ lệ tử vong sau đẻ do hạ glucose máu, hạ canci máu, thai chết lưu, tăng tỷ lệ suy hô hấp, cản trở hoàn thiện phổi ở thai nhi, thai nhi tăng trưởng quá mức, đa ối, nguy cơ đẻ non, thiếu ối, thai chậm phát triển trong tử cung, sang chấn thai do thai to, đẻ khó,…
Tiểu đường thai kỳ có chữa khỏi được không?
Phần lớn mẹ bầu bị tiểu đường trong thai kỳ sẽ khỏi hẳn bệnh sau khoảng 4-12 tuần sau sinh. Mẹ cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sau khoảng 2-3 tháng mức đường huyết chưa trở về trạng thái ban đầu thì mẹ cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho cả mẹ và bé.
Vì vậy, với trường hợp của bạn Thu khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín theo dõi thai kỳ và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa phụ sản hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được kiểm tra, tư vấn và có biện pháp điều trị khi cần thiết để tránh nguy hiểm.