Chào bạn,
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, Việt Nam đang có tỷ lệ nam mắc ung thư gan cao thứ 3 thế giới. Ung thư gan đứng đầu trong những loại ung thư phổ biến nhất thường gặp ở nam giới và đứng thứ 5 trong các loại ung thư ở nữ giới. Đáng lưu ý, ung thư gan gây tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả 2 giới. Vậy khi nào nên tầm soát ung thư gan?
Ung thư gan ở giai đoạn sớm có thể xuất hiện một số triệu chứng tương tự của bệnh viêm gan mạn tính hoặc xơ gan. Những dấu hiệu này bao gồm:
– Chán ăn
– Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải
– Trướng bụng
– Vàng da
Ở những giai đoạn muộn hơn, ung thư gan sẽ xuất hiện dấu hiệu rõ ràng có thể đi kèm với một số biến chứng:
– Sụt cân
– Đi ngoài ra phân trắng hoặc bạc màu
– Buồn nôn, nôn
– Chán ăn
– Mệt mỏi
– Ngứa
Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường không có nhiều dấu hiệu rõ ràng và dễ gây lầm tưởng với nhiều bệnh lý khác. Do đó, cách đơn giản nhất để phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị là tầm soát ung thư gan định kỳ. Bên cạnh đó, một số đối tượng dưới đây cần đặc biệt chú ý tầm soát ung thư gan:
– Bệnh nhân mắc xơ gan hoặc viêm gan mạn tính: Đây là đối tượng có nguy cơ cực kỳ cao có khả năng tiến triển thành ung thư gan, cần xét nghiệm tầm soát thường xuyên để kiểm soát tình trạng bệnh.
– Người mắc bệnh chuyển hóa di truyền: Ứ đọng Glycogenc, hay thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, quá tải sắt,…
– Người mắc viêm gan tự miễn
– Người bị gan nhiễm mỡ không do rượu
– Xơ gan ứ mật mạn tính,…
Ngoài ra, những đối tượng nằm trong độ tuổi từ 21 – 75 cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư gan cao dần theo độ tuổi. Do đó, đối tượng này nên tham gia tầm soát ung thư gan hoặc toàn diện theo khuyến cáo của bác sĩ từ 1 – 2 lần/ năm.