Bệnh ung thư gan: Biểu hiện và phương pháp điều trị

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tại Việt Nam, bệnh ung thư gan có tỷ lệ tử vong ở mức cao, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Bệnh ung thư gan là gì?

Bệnh ung thư gan là hiện tượng các khối u ác tính bắt đầu len lỏi vào các tế bào gan, làm phá hủy các tế bào gan, làm cản trở các hoạt động bình thường của gan. 

Bệnh ung thư gan có nguy hiểm không

Các khối u ác tính phá hủy tế bào gan gây nên bệnh ung thư gan

Hiện nay, ung thư gan chia làm hai loại: ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. 

– Ung thư gan nguyên phát: Đây là dạng ung thư xuất phát từ chính các tế bào trong gan. Ung thư gan nguyên phát bao gồm: ung thư tế bào gan (HCC), ung thư hỗn hợp (Cholangio hepatocarcinoma), ung thư ở gan xơ dẹt, ung thư tế bào đường mật ở gan, u nguyên bào gan, u mạch máu…

– Ung thư gan thứ phát (ung thư di căn): Đây là dạng ung thư phát triển từ các tế bào của bệnh ung thư khác di căn đến gan như ung thư vú, phổi, đại tràng… Ung thư thứ phát có thể hình thành trên gan khỏe mạnh, tạo thành những khối u mới có kích thước và số lượng tăng dần.

2. Biểu hiện của ung thư gan

Ở giai đoạn đầu, người mắc ung thư gan thường rất khó phát hiện do các triệu chứng không rõ ràng. Hầu hết, người bệnh đi khám và nhận thấy tình trạng bệnh ở các giai đoạn sau. 

Dưới đây là một số biểu hiện mà người bệnh thường gặp ở giai đoạn đầu

2.1. Vàng mắt

Củng mạc mắt có màu vàng sậm, xuất hiện song song hoặc trước khi người bệnh có triệu chứng vàng da. 

2.2. Ngứa

Đây là triệu chứng xuất hiện cùng lúc hoặc trước triệu chứng vàng da. Người bệnh ung thư gan bị ngứa do acid mật tích tụ dưới da, làm cho các thụ thể thần kinh bị kích thích. Càng về đêm, triệu chứng này có tần suất càng tăng.

2.3. Chán ăn, sụt cân

Biểu hiện mà nhiều người gặp phải là sụt cân, Do không có dịch mật đẩy xuống ruột, người bệnh sẽ chán ăn, ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa.

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn sau, các biểu hiện trên ngày càng dễ nhận biết hơn, kèm theo một số triệu chứng khác: 

2.4. Đau tức vùng hạ sườn phải

Các khối u ở gan phát triển làm chèn ép các mảng gan, gây nên các cơn đau tức hạ sườn phải. Cơn đau có thể khiến người bệnh kiệt sức, mất ngủ, làm cho tình trạng bệnh nặng thêm, rút ngắn thời gian sống của bệnh nhân. 

Ung thư gan gây đau hạ sườn phải

Đau tức vùng hạ sườn phải là biểu hiện của bệnh ung thư gan giai đoạn cuối

2.5. Trướng bụng

Trướng bụng là dấu hiệu của ung thư gan ở giai đoạn cuối. Khi đã đến giai đoạn cuối, các khối u thường lan rộng đến nhiều cơ quan khác và cả vùng bụng. Do vậy, bệnh nhân thường bị phình to bụng, trướng bụng.

3. Tính nguy hiểm của bệnh

Ung thư gan là bệnh lý nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường gây nên tình trạng tắc nghẽn ống mật, làm tổn thương tế bào gan, rối loạn chức năng gan… làm các chất độc bị tích tụ lại trong cơ thể gây nhiều biến chứng cho người bệnh. 

Một biến chứng dễ nhận thấy là tình trạng thiếu máu. Thiếu máu thời gian dài làm cho bệnh nhân mệt mỏi, da xanh xao, choáng váng, khó thở, tim đập nhanh. 

Bên cạnh đó, người mắc bệnh còn gặp một số biến chứng nguy hiểm khác là: Tắc nghẽn ống mật gây đau nhức bụng phải, buồn nôn, vàng da…; chảy máu gan dẫn tới xuất huyết khi đánh răng, chảy máu cam hoặc xuất huyết nội tạng; giãn tĩnh mạch thực quản gây nên tình trạng chảy máu trong thực quản, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Hội chứng gan thận cũng rất phổ biến với bệnh nhân bị ung thư gan. Bệnh biến chứng sang thận khiến lượng máu đến thận giảm sút. Hội chứng gan thận thường không thể phục hồi trừ khi được ghép gan. 

Ngoài ra, những độc tố tích tụ trong cơ thể được chuyển đến não, làm người bệnh dễ mất trí nhớ cũng như thay đổi tính cách.

4. Nguyên nhân của bệnh ung thư gan

Ung thư gan thường xảy ra khi có sự thay đổi trong DNA của các tế bào gan. Sự đột biến DNA kéo theo sự thay đổi trong quá trình hướng dẫn hóa học trong cơ thể, làm cho các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát, hình thành nên các khối u. 

Một số yếu tố có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh như: Các bệnh gan mạn tính như bệnh viêm gan mạn tính, viêm gan virus, xơ gan… Tỷ lệ ung thư hóa ở các bệnh này không giống nhau. Bệnh xơ gan hoại tử sau viêm gan virus có từ 15- 20% ung thư hóa, xơ gan do dinh dưỡng có 1%. 

Ngoài ra, một số trường hợp xơ gan do lạm dụng bia rượu, sử dụng quá nhiều thuốc tránh thai… cũng là nguyên nhân dẫn tới ung thư gan. 

5. Chẩn đoán và phương pháp điều trị 

Để đánh giá tình trạng sức khỏe và chẩn đoán ung thư, bệnh nhân sẽ phải làm các xét nghiệm chức năng như đo nồng độ protein, albumin, men gan và bilirubin trong máu. Xét nghiệm chỉ điểm khối u gan trong máu như AFP, AFP-L3, PIVKA-II trong máu, nếu kết quả tăng cao, khả năng mắc ung thư gan khá cao. 

Đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng hoặc MRI gan mật, nhằm xác định vị trí, kích thước của khối u. Trong một số trường hợp khác, bác sĩ sẽ có thể chỉ định sinh thiết gan. 

Bệnh ung thư gan có chữa được không

Siêu âm ổ bụng đánh giá tình trạng tổn thương gan

Dựa vào tình hình của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Một số giải pháp để điều trị ung thư gan là: xạ trị, hóa trị, cắt gan, ghép gan, đốt sóng cao tần u gan, tiêm ethanol vào u gan…

Ung thư gan là bệnh nguy hiểm, hình thành từ một số bệnh lý về gan khác, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng người bệnh. Do vậy, bạn cần chăm chỉ đi khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện các bệnh lý về gan để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital