Trong thủ thuật chụp X-quang, máy X-quang sẽ chiếu tia X qua ngực cho ra các hình ảnh cụ thể. Tia X xuyên qua các mô mềm, dịch của cơ thể gặp phim sẽ cho ra hình ảnh phổi, tim, mạch máu và các cấu trúc của thành ngực.
Bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh này để kiểm tra, xác định và chẩn đoán sớm một số vấn đề sau:
– Xác định xem bên trong khoang màng phổi hoặc không gian quanh phổi có dịch hoặc khí hay không.
– Chẩn đoán các bệnh lý về tim và phổi như: Viêm phổi, xẹp phổi, ung thư,…
– Với người bệnh bị chấn thương, chụp X-quang có thể xác định tình trạng xương sườn bị gãy hoặc bị tổn thương.
Thông thường, đây là phương pháp đầu tiên giúp bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý khoang ngực. Chụp X-quang phổi được chỉ định trong khá nhiều trường hợp như:
– Người bệnh có triệu chứng: khó thở, đau tức ngực, ho dai dẳng, chấn thương,…
– Kiểm tra tình trạng phổi trong thăm khám sức khỏe định kỳ.
– Sàng lọc bệnh lý nếu nghi ngờ nguy cơ bị chấn thương ngực, dập phổi, viêm phổi, lao phổi, khối u ở phổi, tràn dịch màng phổi,…
– Phát hiện các bất thường ở phổi cũng như theo dõi diễn tiến trong trường hợp đã có bệnh lý về phổi.
– Đau nặng sau khi chấn thương hay do bệnh về tim.
Trên đây là các trường hợp cần chụp X-quang phổi. Lưu ý rằng thủ thuật này không gây hại cho sức khỏe của người bệnh nhưng tia X lại rất độc hại. Do đó, việc tiến hành thủ thuật cần đảm bảo điều kiện an toàn về kỹ thuật và cơ sở vật chất. Cụ thể, phòng chụp X-quang và thiết bị chụp cần đạt tiêu chuẩn an toàn được Bộ Y tế quy định. Bạn nên thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có thế mạnh về chẩn đoán hình ảnh để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.