Chào bạn,
Đái tháo đường (ĐTĐ) được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nên điều bạn lo lắng là hoàn toàn hợp lý. Theo các thống kê, có tới 70% số bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) phải nhập viện vì các biến chứng tim mạch, 80% bệnh nhân ĐTĐ tử vong do các biến cố tim mạch. Các bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ gây tử vong do tim mạch gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh.
Trong đó, bệnh động mạch vành (ĐMV) là biến chứng thường gặp nhất của bệnh nhân ĐTĐ. Đặc biệt những người bị ĐTĐ sau 40 tuổi (gọi là type II) có tỉ lệ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường, ngay cả khi lượng đường trong máu mới tăng nhẹ.
Nguyên nhân là do những người này thường có nồng độ insulin trong máu cao. Insulin là một loại hormone do tụy sản xuất, có vai trò chủ yếu trong quá trình điều hoà lượng đường trong máu. Khi insulin bị giảm tác dụng thì cần có một lượng lớn hơn để thực hiện vai trò sinh lý, gây ra hiện tượng kháng insulin. Khi nồng độ insulin trong máu tăng cao có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol, tạo nên các mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là gây ra bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành và đái tháo đường có liên quan mật thiết và tác động lẫn nhau. Ở các bệnh nhân ĐTĐ, thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch kết hợp với nhau như: tăng đường huyết, tăng insulin huyết, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, bệnh thận… Trong đó, ĐTĐ là một yếu tố nguy hiểm nhất ở những bệnh nhân bị bệnh mạch vành cấp hay nhồi máu cơ tim.
Để ngăn ngừa các biến chứng tim mạch bạn cần tích cực điều trị bệnh ĐTĐ của mình bằng cách thường xuyên theo dõi đường huyết, ăn uống và tập luyện khoa học, đi khám định kỳ để kiểm tra hiệu quả của quá trình điều trị và được bác sĩ tư vấn, điều chỉnh phác đồ phù hợp.