Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp thứ 2 trong tổng 10 loại ung thư thường gặp ở cả 2 giới. Vậy bạn biết gì về bệnh ung thư phổi?
Thực tế cho thấy, không phải ai cũng nắm rõ về căn bệnh ung thư phổi nên nhiều trường hợp không phát hiện và điều trị sớm dẫn tới bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm tới tính mạng.
Nguyên nhân gây ung thư phổi
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Thuốc lá được xem là nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất gây ra căn bệnh này. Theo thống kê, có tới 90% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá.
Ngoài thuốc lá, những người hít phải khói thuốc lá thụ động hoặc có các yếu tố sau cũng có khả năng cao mắc ung thư phổi:
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại từ công việc như công nhân nhà máy hóa chất, thuốc nhuộm, dệt vải; thường xuyên tiếp xúc với nước tẩy rửa, dung dịch làm sạch trong gia đình…
- Sống trong môi trường ô nhiễm như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước
Biểu hiện của bệnh ung thư phổi
Cũng giống các bệnh lý ung thư khác, ung thư phổi giai đoạn đầu đều không gây ra bất cứ triệu chứng bất thường nào. Khi tới giai đoạn tiến triển, người bệnh mới thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Ho dai dẳng với mức độ ngày càng nặng
- Thở khó khăn, khó thở, thở gấp
- Đau tức ngực liên tục
- Ho ra máu, giọng nói khàn
- Thường xuyên mệt mỏi
- Nhiễm trùng phổi thường xuyên
- Giảm cân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân
Các triệu chứng ung thư phổi nặng dần lên và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nếu bệnh di căn sang vị trí khác trong cơ thể có thể gây ra thêm các dấu hiệu tại cơ quan di căn như đau nhức xương khớp (di căn xương), vàng da, vàng mắt (di căn gan), rối loạn trí nhớ, mất tập trung (di căn não)…
Cách chẩn đoán sớm ung thư phổi
Khi có dấu hiệu bất thường trong cơ thể, bạn nên đi khám để các bác sĩ chỉ định làm những xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu nhằm xác định chính xác bệnh.
- Khám lâm sàng với bác sĩ giỏi
- Xét nghiệm máu tìm bất thường trong máu
- Chụp X-quang ngực và chụp CT để xác định vị trí khối u, kích thước và giai đoạn bệnh cụ thể
Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện một số thủ thuật sau để chẩn đoán chính xác bệnh như:
- Kiểm tra tế bào học đờm: chất lỏng đặc (đờm) được ho ra từ phổi sẽ được xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư.
- Xét nghiệm hút dịch phổi: một ống kim dài được dùng để lấy chất lỏng (dịch màng phổi) từ lồng ngực nhằm xét nghiệm tế bào ung thư.
- Nội soi phế quản: một ống mỏng, nhẹ (một ống soi phế quản) được đưa qua mũi hoặc miệng vào phổi và lấy mẫu xét nghiệm ung thư
- Chọc hút bằng kim mảnh: Một kim nhỏ được dùng để lấy các mô hoặc dịch từ phổi hoặc hạch bạch huyết.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi. Tùy độ tuổi, tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư phổi (đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ), thường được áp dụng cho những giai đoạn sớm, khi ung thư chưa lan ra ngoài phổi.
- Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó thường được kết hợp với hóa trị liệu, và có thể thực hiện trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật thực hiện dễ dàng hơn; hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
- Hóa trị: Đây là một biện pháp điều trị toàn thân, sử dụng các loại thuốc hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển. Hóa trị có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị, phẫu thuật nhằm tăng hiệu quả của quá trình điều trị.
- Điều trị nhắm mục tiêu: Hướng tới các protein trên tế bào ung thư hoặc nhắm tới các tế bào bình thường đã bị ung thư tấn công.
Ung thư phổi là bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng, trẻ hóa. Nữ giới cũng dễ dàng mắc phải căn bệnh này. Chính vì thế, việc chủ động thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư phổi định kỳ sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh (nếu có).