Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân: Lưu ý quan trọng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Phù chân là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Cùng tìm hiểu vì sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân và các biện pháp cải thiện.

1. Tại sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân?

Ung thư giai đoạn cuối là giai đoạn cuối của ung thư, khi các khối u đã phát triển và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần. Bệnh nhân có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khó chịu. Trong đó sưng là tình trạng rất phổ biến, còn được gọi là phù hoặc cổ trướng, tùy thuộc vào khu vực cơ thể bị ảnh hưởng.

1.1 Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân với biểu hiện sưng hoặc phù nề

Sưng hoặc phù nề là tình trạng chất lỏng dư thừa và tích tụ trong các mô. Các dấu hiệu sưng phù thường gặp ở bệnh nhân ung thư là:

– Bàn chân và cẳng chân to hơn bình thường (sưng lên), thường rõ hơn khi bạn ngồi trên ghế, đứng hoặc đi bộ

– Chật ngón tay đeo nhẫn

– Cảm giác tay bị bóp chặt mỗi khi nắm lại

Tình trạng này có thể xảy ra do sự tích tụ muối và nước khi bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị. Sưng, phù nề cũng có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim, suy gan, suy thận hoặc tình trạng mất chức năng một số cơ quan.

Các nguyên nhân khác gây phù có thể bao gồm: nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, khối u phát triển, phẫu thuật hoặc có sự tắc nghẽn.

Một số trường hợp phù có thể xảy ra do sự lưu thông của bạch huyết bị ảnh hưởng, thường liên quan đến tình trạng các hạch bạch huyết bị tắc nghẽn hoặc bị cắt bỏ. Loại phù này được gọi là phù bạch huyết.

tại sao người bị ung thư giai đoạn cuối hay bị phù chân

Người bị ung thư giai đoạn cuối thường bị phù chân do tích tụ dịch.

1.2 Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân kèm theo cổ trướng

Cổ trướng (bụng báng) là tình trạng tích tụ dịch quá mức trong ổ bụng. Nguyên nhân thường do áp lực từ các khối u. Bụng của người bệnh to ra, bụng cứng bụng và căng phồng. Điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi đi lại hoặc mặc quần áo.

Những người bị cổ trướng cũng có thể gặp các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn… Đôi khi dịch có thể tràn lên phổi của bệnh nhân gây khó thở.

Cổ trướng thường xảy ra ở một số bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nặng và khối u di căn vào ổ bụng. Các loại ung thư thường gây chướng bụng ở giai đoạn cuối gồm ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư tụy.

2. Triệu chứng khác của ung thư giai đoạn cuối

– Khó thở, dễ nhận thấy nhất là khi nằm xuống

– Cảm giác nhịp tim nhanh, không đều

– Chán ăn, đắng miệng

– Táo bón

– Mệt mỏi

– Buồn nôn hoặc nôn

Trướng bụng ở người bị ung thư giai đoạn cuối

Trướng bụng là tình trạng thường xảy ra ở người bị ung thư giai đoạn cuối.

3. Bị phù chân khi ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư thì nên làm gì?

3.1 Đối với người bệnh

Hạn chế ăn mặn là một trong những nguyên tắc “sống còn” của người bị phù chân do ung thư hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. Người bệnh cần tránh sử dụng muối trong nấu ăn và hạn chế tối đa việc tiêu thụ các thực phẩm nhiều natri. Nên trao đổi với bác sỹ về chế độ dinh dưỡng cần thiết khi gặp phải tình trạng trên.

Nếu bàn chân hoặc cẳng chân bị sưng, bạn hãy nằm nghỉ tại gường, kê 2 chân lên gối. Nếu ngồi lên ghế, hãy nâng cao chân bằng cách ngồi trên ghế được thiết kế có phần kê chân hoặc ngồi đặt chân lên đôn có kê gối.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường phải uống một số loại thuốc theo chỉ định. Trong đó, thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm phù vì chúng kích thích thận loại bỏ natri và nước ra khỏi cơ thể. Khi dùng thuốc này, bệnh nhân sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, theo đó dịch được đào thải ra ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên thuốc lợi tiểu cũng có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sỹ nếu được kê đơn thuốc lợi tiểu chữa sưng hoặc phù nề để tìm hiểu về các tác dụng phụ này.

Đối với các trường hợp bị báng bụng, bệnh nhân có thể được chỉ định làm hóa trị hoặc phẫu thuật kiểm soát cổ trướng. Chọc hút dịch là một thủ thuật thường dùng để dẫn dịch thừa trong cơ thể ra bên ngoài. Phương pháp này giúp giảm đau tạm thời cho đến vài ngày hoặc vài tuần, nhưng sau đó dịch thường quay trở lại.

3.2 Đối với người chăm sóc

Ở giai đoạn này, vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Những việc người nhà hoặc nhân viên chăm sóc cần làm để hỗ trợ người bệnh ung thư giai đoạn cuối cải thiện các triệu chứng và tăng cường sức khỏe gồm:

– Theo dõi sát sao để phát hiện sớm các triệu chứng mới bất thường của bệnh nhân, đặc biệt là tình trạng khó thở hoặc sưng mặt.

– Thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân kê, tựa phần bị sưng phù khi nằm hoặc khi ngồi sao cho thoải mái nhất.

– Tuyệt đối không thêm muối, xì dầu hoặc bột ngọt khi chế biến thức ăn cho người bệnh.

– Có thể học cách đọc nhãn trên bao bì thực phẩm hoặc trao đổi với bác sỹ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng nếu cần để chọn lựa thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân.

– Ghi lại chỉ số cân nặng của bệnh nhân theo ngày tháng. Nên cân từ 1 – 2 ngày/lần trên cùng một chiếc cân, vào đúng một thời điểm trong ngày để có thể so sánh chính xác nhất.

Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân thì phải làm sao

Ăn uống hợp lý, uống nước theo chỉ định,… là những biện pháp kiểm soát tình trạng phù ở nhừng người bị ung thư giai đoạn cuối.

3.3 Khi nào cần báo cho bác sỹ điều trị?

Cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị ngay khi nhận thấy các triệu chứng sau:

– Bụng to ra, cứng, căng hoặc phồng lên.

– Vùng sưng, phù đỏ lên hoặc sờ vào thấy nóng.

– Khó thở, tim đập không đều, nhanh hơn bình thường.

– Không thể ăn, không đi tiểu hoặc tiểu ít từ 1 ngày trở lên.

– Sung chỉ ở một cánh tay hoặc chân.

– Ấn một ngón tay vào vùng bị sưng thấy vết lõm vẫn còn sau khi nhấc ngón tay ra.

– Vùng sưng phù lan ra chân hoặc cánh tay.

– Sưng vùng mặt và cổ, nhất là vào buổi sáng.

– Tăng cân nhiều trong một khoảng thời gian nhất định  (vài tuần hoặc ít hơn).

Trên đây là một số lưu ý về tình trạng ung thư giai đoạn cuối bị phù chân và những việc cần làm nhằm cải thiện triệu chứng, kiểm soát tình trạng phù, chướng. Tình trạng này cần được tiếp cận và điều trị bởi các chuyên gia khoa ung bướu với phác đồ hợp lý. Do vậy, khi thấy các triệu chứng sưng phù bất thường, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nên chủ động thăm khám để nhận tư vấn điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital