Nguyên nhân ung thư da và cách nhận biết

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Zee Ying Kiat

Bác sĩ Ung Bướu

Ung thư da là tình trạng các tế bào da trên cơ thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Bệnh phổ biến hơn ở những người da trắng, trong khi ít xảy ra hơn ở những người da đen và da màu. Cùng tìm hiểu nguyên nhân ung thư da và cách nhận biết qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân ung thư da

Ung thư da xảy ra khi có sự đột biến trong DNA của các tế bào da, khiến cho các tế bào này phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo thành khối các tế bào ung thư.

1.1 Nguyên nhân ung thư da chủ yếu

Tia cực tím (UV) được coi là nguyên nhân lớn nhất gây ảnh hưởng đến DNA trong các tế bào da. Bức xạ tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời và được tìm thấy trong ánh sáng trên giường tắm nắng. Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc có tiền sử bị cháy nắng sẽ rất dễ bị ung thư da ác tính.

Tuy nhiên việc phơi nắng không giải thích được bệnh ung thư da phát triển trên những làn da không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Việc tiếp xúc với tia UV là các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Vì vậy mỗi người hoàn toàn có thể phòng tránh ung thư da bằng việc bảo vệ làn da của mình.

Nguyên nhân ung thư da thường gặp là gì?

Tia UV là một trong những nguyên nhân ung thư da thường gặp.

1.2 Các nguyên nhân ung thư da khác

Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến ung thư da dễ hình thành:

– Các nốt ruồi không điển hình: Những người da trắng có nguy cơ cao bị u hắc tố ác tính nếu gặp tình trạng này. U hắc tố ác tính là tình trạng phổ biến hơn ở những người có nước da nhợt nhạt, mắt xanh, tóc đỏ hoặc vàng.

– Làm việc trên cao: Tia cực tím thường mạnh hơn khi độ cao tăng. Nguyên nhân là do bầu khí quyển mỏng hơn khi ở độ cao cao hơn lọc tia cực tím kém hơn so với ở mực nước biển. Do vậy những người làm việc trên cao và ngoài trời có nguy cơ ung thư da cao hơn.

– Vĩ độ: Càng gần xích đạo các tia nắng mặt trời càng mạnh. Bởi vậy những người sống gần xích đạo có nguy cơ ung thư da cao hơn.

– Tiếp xúc thường xuyên với than và các hợp chất asen.

– Tiếp xúc với tia X nhiều lần.

– Có vết sẹo do bệnh và bỏng.

– Bị ức chế hệ thống miễn dịch do cấy ghép nội tạng.

– Giới tính nam.

– Tuổi tác.

– Tiền sử ung thư da.

– Một số bệnh di truyền hiếm gặp như hội chứng nevus tế bào đáy (Gorlin), khô da sắc tố (XP).

– Hút thuốc.

2. Các loại ung thư da

Da được cấu tạo từ nhiều lớp, trong đó lớp biểu bì (lớp trên hoặc lớp ngoài) và lớp hạ bì (lớp dưới hoặc lớp trong) là 2 lớp chính.

Lớp biểu bì được cấu thành từ 3 loại tế bào chính:

– Tế bào vảy: Lớp da rất mỏng và có dạng phẳng, ở trên cùng của biểu bì.

– Tế bào đáy: Lớp này có dạng tròn và nằm dưới tế bào vảy.

– Tế bào hắc tố: Các tế bào nằm ở phần dưới của lớp biểu bì, nơi tạo ra hắc tố. Melanin là chính là các sắc tố làm cho da có màu sắc khác nhau. Sắc tố càng nhiều thì da càng có màu sẫm hơn. Các tế bào hắc tố bày sẽ tạo ra nhiều sắc tố hơn nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Ung thư da được phân chia thành 2 dạng chính là:

2.1 Ung thư da không hắc tố

Đây là loại ung thư da không phải u hắc tố ác tính, gồm 2 loại phổ biến là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy.

Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư hình thành trên da và ảnh hưởng đến các tế bào nằm ngoài cùng của lớp biểu bì, màng nhầy, hoặc phổi.

Ung thư biểu mô tế bào đáy: Loại ung thư này hình thành từ các tế bào đáy của da.

Ung thư da không hắc tố thường xảy ra ở các bộ phận tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như tai, mặt, cổ và cánh tay.

Ở một số quốc gia, tỷ lệ mắc ung thư da không phải u hắc tố ác tính ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức độ bức xạ tia cực tím ngày càng cao hơn.

Ung thư da có những loại nào?

Ung thứ da được chia thành ung thư không hắc tố và ung thư hắc tố ác tính.

2.2 Ung thư da hắc tố ác tính

Đây là loại ung thư da hình thành từ các tế bào hắc tố. Ung thư hắc tố là loại ung thư gây ra nhiều ca tử vong nhất vì các tế bào ung thư có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên việc chẩn đoán loại ung thư này có nhiều khả năng chính xác hơn so với ung thư da không hắc tố.

Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ mắc khối u ác tính tỷ lệ thuận với các đặc điểm di truyền và cá nhân, mức độ tiếp xúc với tia cực tím…

3. Triệu chứng ung thư da

Tùy vào từng thể ung thư da, bệnh nhân sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện ung thư chưa rõ ràng, thường gây nhầm lẫn với các tổn thương da thường gặp khác như lở loét, sẹo cũ,…

3.1 Triệu chứng ung thư da biểu mô tế bào đáy

Vị trí xuất hiện của ung thư da loại này thường ở trán, má, mũi, thái dương, vùng mặt.

Đặc điểm của tổn thương:

– Các vết loét lúc đầu có kích thước nhỏ, đóng vảy mỏng, đáy nhẵn, bờ nông, mao mạch phía mặt đáy giãn, có thể lẫn màu đen, gây nhầm lẫn với ung thư hắc tố.

– Vết loét thường hình thành từ nốt ruồi, mụn cơm và nốt xơ da nhiễm sắc.

– Tốc độ phát triển của khối u khá chậm, ít xâm lấn sâu và bờ vết loét thường lan theo bề mặt da.

– Ở một số bệnh nhân vết loét xâm lấn sâu gây bội nhiễm, lộ xương mặt và xuất hiện tình trạng nề đỏ xung quanh.

– Đa số các trường hợp không di căn hạch và không di căn xa sang những bộ phận khác.

3.2 Triệu chứng ung thư da biểu mô tế bào vảy

Ung thư da biểu mô tế bào vảy phần lớn xuất hiện ở da vùng đầu, bắt nguồn từ nền sẹo cũ, ví dụ như sẹo do bỏng.

Tổn thương dạng này dễ mủn nát ở bề mặt, sần sùi, dễ chảy máu. Khối u thường có tốc độ phát triển nhanh, vết loét sùi lên và lan rộng theo bề mặt nông. Nguy hiểm hơn, khối u này có thể xâm lấn vào xương sọ, gây bội nhiễm và biến dạng ở mức độ nghiêm trọng.

Dạng ung thư da tế bào đáy có xu hướng di căn hạch, đặc biệt là hạch vùng chẩm, vùng cổ, ở trước tai, dưới hàm và dưới cằm. Các hạch di căn thường có kết cấu rắn chắc, kích thước lớn. Chúng có thể di căn đơn độc hoặc kéo theo thành đám, hạch có thể cố định hoặc di động.

Triệu chứng của bệnh ung thư da

Ung thư da có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau tùy vào loại ung thư, nguyên nhân gây bệnh.

3.3 Thể ung thư các tuyến phụ thuộc da

Các tuyến phụ thuộc da gồm tuyến bã, tuyến mồ hôi. Các khối u dạng này thường nằm dưới bề mặt da, khi phát tác sẽ khiến da lồi lên nên dễ gây nhầm lẫn với ung thư phần mềm.

Khối u cấu trúc chắc, thường dính, gây sưng nề đau đớn, có màu đỏ, ít di động.

U có thể ăn sâu xuống cấu trúc bên dưới, xâm lấn vào hệ cơ và xương nếu bệnh phát triển nặng hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital