Chào bạn,
Viêm gan virus là một bệnh nhiễm trùng nghề nghiệp giống như lao, viêm gan C, HIV… Môi trường nhiễm bệnh chỉ yếu là bệnh viện khi các y bác sĩ tiếp xúc với các yếu tố như: Tiêm dưới da, mảnh thuỷ tinh, mũi khâu, kim bướm, mũi khoan, lấy máu… Khả năng nhiễm siêu vi B có thể lên đến 25% đối với nhóm cán bộ y tế bị thương do kim đâm, tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân có HBsAg dương tính.
Viêm gan virus là bệnh nghề nghiệp được công nhận bởi Liên Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tỷ lệ mang kháng thể HBsAg nói chung của nhân viên y tế cao hơn gấp 3-5 lần so với người dân bình thường. Khoảng 17,6% nhân viên y tế có thể bị nhiễm virus gây ra bệnh viêm gan B. Với khả năng sống lâu nhiều tháng trong vết máu khô, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm gấp từ 50-100 lần so với HIV.
Nhóm có nguy cơ cao mắc viêm gan virus bao gồm: Nhân viên phòng xét nghiệm, nha sĩ, nhân viên làm công tác cấp cứu, nhân viên xử lý rác thải, nhân viên ướp xác, bộ đội, công an… Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số 35 triệu nhân viên y tế trên thế giới, mỗi năm, 2 triệu người tiếp xúc qua da với bệnh truyền nhiễm. Trong đó, khoảng 40% bị phơi nhiễm viêm gan B, 40% phơi nhiễm viêm gan C, 2,5% phơi nhiễm HIV do tổn thương vì kim đâm.
Hiện nay, vẫn chưa có điều trị đặc hiệu với bệnh viêm gan virus cấp tính. Chi phí cho điều trị là rất cao và khả năng đáp ứng của thuốc còn hạn chế. Vì vậy những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cần được tiêm phòng sớm, sống khoa học, theo dõi sức khỏe thường xuyên bằng cách khám tổng quát định kỳ 1-2 lần/năm. Từ đó có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm.