Chào bạn,
Suy thận là một trong những yếu biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, bên cạnh các biến chứng về tim, mắt, thần kinh,…
Cơ chế suy thận ở bệnh nhân tiểu đường là gì? Bình thường, máu sẽ chảy vào thận thông qua các động mạch thận và tập trung tại cầu thận. Tuy nhiên, ở người bệnh đái tháo đường, lượng đường huyết thường xuyên tăng cao sẽ làm tổn thương các mao mạch ở cầu thận, đồng thời khiến cho cơ quan này phải hoạt động quá mức gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến cho thận dần bị xơ hóa và mất hoàn toàn các chức năng. Lúc này, người bệnh lúc này buộc phải sử dụng phương pháp chạy thận hoặc ghép thận.
Chế độ ăn khoa học là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả, tiết kiệm mà không cần dùng thuốc. Mẹ của bạn cần hạn chế các chất điện giải (như kali, natri, photpho và canxi…), nước và protein. Tùy thuộc vào mức độ suy thận mà mức độ hạn chế lượng protein và các chất điện giải sẽ là khác nhau. Tốt nhất nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được lên một kế hoạch cụ thể trong chế độ ăn hàng ngày tốt cho thận mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp mẹ của bạn lựa chọn thực phẩm:
– Hạn chế lượng protein: hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều chất đạm như thịt, gia cầm (gà), cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, sữa chua, phomai. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các thực phẩm như bánh mì đen, các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như táo, bưởi, xoài, ăn gạo lứt, rau củ quả có nhiều chất xơ hòa tan…
– Hạn chế photpho: bằng cách kiêng sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại đậu Hà Lan, ngũ cốc và các loại hạt, cacao, bia và nước ngọt. Nên ăn bánh mỳ Ý hoặc Pháp, ngô, lúa mì…
– Hạn chế muối: các chuyên gia khuyến cáo những người bị bệnh thận không nên tiêu thụ quá 1500mg natri mỗi ngày (tương đương 3.75 gam muối, 0.75 thìa cà phê). Thay vì dùng muối làm gia vị cho các bữa ăn, bạn có thể dùng các loại thảo mộc, nước chanh để làm hương vị; không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, đồ chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, thịt đóng hộp; các thực phẩm muối chua như ô mai, dưa chua, cà muối…
– Hạn chế kali: tránh các loại quả như bơ, chuối, dưa hấu, cam, mận, nho khô, atiso, bí, rau cải bó xôi, cà chua, khoai tây… Thay vào đó, ăn các loại quả như táo, quả việt quất, nho, dứa, dâu tây,, ớt chuông, …
– Hạn chế nước: Khi suy thận nhẹ có thể chưa cần hạn chế nhiều, nhưng nếu bị suy thận nặng thì chỉ nên nạp khoảng 500ml nước/ngày bao gồm tổng cả lượng nước uống và tiêm truyền.
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm tốt cho thận, mẹ của bạn cũng cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên, tập luyện thể dục đều đặn và dùng thuốc theo đúng khuyến cáo của bác sĩ.