Chào bạn,
Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm, xuất phát từ niêm mạc dạ dày và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Theo như thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), năm 2018 Việt Nam có 17.527 người mắc ung thư dạ dày trong đó 15.965 người đã tử vong. Với số liệu này, ung thư dạ dày đáng được con người chú ý và chủ động phòng tránh.
Thông thường, các quy trình tầm soát sẽ thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên của quy trình tầm soát ung thư dạ dày. Ở bước này các chuyên gia sẽ hỏi bạn những thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe bản thân và những người trong gia đình, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng,… Bạn cần chuẩn bị trước những thông tin này để cung cấp cho bác sĩ.
Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm
Bên cạnh những xét nghiệm máu, nước tiểu,… thì khi tầm soát ung thư dạ dày người bệnh sẽ được xét nghiệm thêm một số xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư.
Bước 3: Thực hiện chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng
Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng là bước không thể thiếu khi tham gia sàng lọc ung thư dạ dày. Một số danh mục được áp dụng bao gồm: Siêu âm ổ bụng, chụp X-Quang, nội soi dạ dày,… Đây là những phương pháp giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tổng quan nhất và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường trong dạ dày của người thăm khám.
Ngoài ra, sau khi thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nếu thấy sự xuất hiện của polyp các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để xác định đó có phải khối u ác tính hay không. Từ đó đưa ra kết luận tình trạng của người thăm khám.