Chào bạn,
Mề đay là phản ứng của mao mạch khi bị dị ứng, da và niêm mạc bị phù lên, ửng đỏ và gây ngứa ngáy. Cơ chế gây mề đây rất phức tạp và thường do những nguyên nhân phổ biến như sau:
1. Nổi mề đay thông thường
– Do tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc chống viêm, vitamin, vắc xin, huyết thanh, thuốc chống sốt rét, các thuốc chống dị ứng, kháng histamin,… Triệu chứng mề đay có thể xuất hiện ngay khi dùng thuốc hoặc một thời gian ngắn sau khi dùng. Một số trường hợp có thể bị nóng sốt, nổi hạch, đau khớp kèm theo.
– Do dị ứng với một số loại thức ăn thường gặp, thực phẩm lành tính như: trứng, sữa, hải sản, phô mai, đồ hộp, đồ uống có cồn,…
– Nọc độc, vết cắn từ một số loại côn trùng, sâu bọ như muỗi, mòng, bọ chét, ong, kiến,… gây nổi mề đay ở trường hợp da mẫn cảm.
– Tác nhân đường hô hấp: Hít phải phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, khói thuốc,… cũng có thể gây dị ứng.
– Nhiễm trùng: Virus (viêm gan B, C…); vi khuẩn gây viêm ở tai, mũi, họng, răng miệng…; ký sinh trùng đường ruột,… có thể gây mề đây hoặc gây ra các bệnh có triệu chứng này.
– Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mỹ phẩm, nước hoa, son, phấn, thuốc nhuộm,…
2. Mề đay vật lý
Đây là trường hợp mề đay xuất hiện do tác động của các yếu tố bên ngoài, thường do cơ chế tự miễn dịch của cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu gồm: vận động quá sức gây mệt nhọc, ma sát, ánh sáng mặt trời, môi trường quá lạnh hay quá nóng,…
3. Mề đay do các bệnh hệ thống như: lupus ban đỏ, viêm mạch, tiểu đường,…
4. Do liên quan đến yếu tố di truyền.
5. Mề đay tự phát, hay còn được gọi là mề đay vô căn vì không xác định được nguyên nhân gây triệu chứng này.
Hầu hết các trường hợp bị mề đay sẽ thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Các trường hợp bị từ 6 tuần trở lên được gọi là mề đay mạn tính. Nếu mề đay xuất hiện gây khó chịu, kéo dài, kèm nhiều triệu chứng phức tạp khác, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.