Chào chị Dung, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Hỏi – Đáp của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI. Với câu hỏi của chị về phương pháp tầm soát ung thư phù hợp, chúng tôi xin phép được giải đáp như sau:
Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là PAP Smear và HPV Test. Theo khuyến cáo của chuyên gia, từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là trong độ tuổi 35 – 44 tuổi. Vì vậy, việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi thì tần suất thực hiện và lựa chọn phương pháp có một chút khác biệt:
– Người từ 21 đến 29 tuổi: Thực hiện xét nghiệm PAP Smear ít nhất 3 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
– Từ 30 đến 65 tuổi (độ tuổi trung niên): Nếu thực hiện riêng từng loại xét nghiệm, chỉ thực hiện PAP Smear với tần suất 3 năm/lần và thực hiện xét nghiệm HPV 5 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm không có bất thường. Nếu thực hiện đồng thời xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV, chỉ cần tầm soát 5 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm không có bất thường.
– Trên 65 tuổi nếu không có dấu hiệu bất thường nào ở tế bào cổ tử cung, thực hiện xét nghiệm PAP Smear và xét nghiệm HPV đều cho ra kết quả âm tính trong vòng 10 năm qua thì có thể ngừng việc tầm soát ung thư cổ tử cung.
Đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao thì việc tầm soát ung thư cổ tử cung cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Sau lần kiểm tra đầu tiên, người bệnh nên thực hiện kiểm tra lại đều đặn từ 6 tháng – 1 năm/lần và có thể kết hợp cả hai phương pháp.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Nên lựa chọn phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nào?” của chị Dung. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chị có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.