Chào bạn P.T.Linh
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục hỏi đáp chuyên gia. Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
Thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi giữ vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Thắng lưỡi góp phần thực hiện hoàn chỉnh khả năng phát âm, bú, nuốt của trẻ.
Một thắng lưỡi bình thường là có độ dài phù hợp và điểm bám đúng. Trẻ càng lớn thắng lưỡi càng dài và dày hơn.
Một số dấu hiệu để nghĩ đến bé bị dính thắng lưỡi:
– Nhìn trực tiếp thấy thắng lưỡi ngắn rõ;
– Đầu lưỡi bị lõm hình trái tim, hình ách cơ, hoặc hình chữ omega ω;
– Thắng lưỡi bám trực tiếp gần đầu lưỡi;
– Trẻ nói ngọng một số từ;
– Khó bú, khó nuốt.
Về phát âm, nếu thắng lưỡi bị ngắn hoặc bám sai vị trí bé sẽ khó nói các từ phải đưa lưỡi xa về phía trước, phải cong lưỡi lên trên, hoặc áp lưỡi vào mặt trong răng trên.
Dị tật này của trẻ có thể được chẩn đoán thông qua việc quan sát và đo chiều dài dây thắng lưỡi. Căn cứ khoảng cách đo được từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng này của bé theo các cấp độ sau:
– Độ 1: Khoảng cách là từ 12–16mm
– Độ 2: Khoảng cách là từ 8–11mm
– Độ 3: Khoảng cách là từ 3–7mm
– Độ 4: Khoảng cách dưới 3mm.
Để điều trị tật dính thắng lưỡi, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để giúp thắng lưỡi trở về như ban đầu. Thông thường, thời điểm thực hiện phẫu thuật này là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên có một số trường hợp cần thực hiện phẫu thuật sớm hơn hoặc muộn hơn, thậm chí có trẻ 2 tuổi mới có thể chỉ định phẫu thuật.
Bạn nên đưa con tới thăm khám chuyên khoa tai mũi họng để các bác sĩ đánh giá chi tiết về mức độ dính thắng lưỡi và đưa ra lời khuyên phẫu thuật cắt thắng lưỡi chuẩn nhất!
Cảm ơn bạn.
Trưởng khoa Tai mũi họng – Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Dương Văn Tiến