Chào anh Tuấn, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Hỏi – Đáp của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI. Với thắc mắc của anh Tuấn về căn bệnh nhồi máu cơ tim, chúng tôi xin phép được giải đáp như sau:
Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.
Dấu hiệu đặc biệt cần phải chú ý cảnh báo bị nhồi máu cơ tim đó là triệu chứng đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình là đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng Nitroglycerin. Một số trường hợp đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Kèm theo đau người bệnh có thể rất hoảng sợ, vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn…
Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg.
Khi có dấu hiệu đau ngực như vậy hãy để người bệnh nằm yên và gọi người giúp đỡ hoặc gọi điện thoại cấp cứu. Không được cố gắng đi lại hoặc tiếp tục làm việc gì đó. Khi được xe cấp cứu đến đón, có thể cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin trong khi chờ cấp cứu. Aspirin giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc. Hoặc có thể ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR): Tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
Có thể nói nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời khi có bất kỳ biểu hiện nào kể trên. Việc phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ bị nhồi máu cơ tim từ sớm là tiền đề giúp hạn chế trường hợp người bệnh phát bệnh và biến chứng về sau. Cụ thể, người bệnh cần:
– Có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, hợp lý với tình trạng sức khỏe bệnh tật của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn bổ sung rau củ chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C để làm tăng sức bền của thành mạch. Hạn chế đồ ngọt và chất béo hay các chất kích thích như rượu chè cà phê…
– Không hút thuốc lá.
– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
– Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường trên cơ thể.
– Khi có các bệnh lý về tim mạch như bệnh lý về huyết áp, cơn đau thắt ngực,… hay các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường… thì phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Trên đây là câu trả lời của chúng tôi cho thắc mắc của anh Tuấn, mong rằng anh đã có những thông tin cần thiết cho bản thân.