Chào bạn,
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Bệnh nhân mắc bệnh này có triệu chứng đau nhức và khó chịu, nặng hơn có thể phù chân, thay đổi da và lở loét.. Nguyên nhân là do khả năng đưa máu từ các tĩnh mạch nhỏ ở xa về tim bị suy giảm do sự hư hại của các van trong lòng tĩnh mạch. Máu chảy ngược xuống dưới, làm ứ đọng và tăng áp lực tĩnh mạch.
Nhiều người khi bị suy giãn tĩnh mạch chân thì đã từ bỏ thói quen đi bộ. Hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyên bệnh nhân suy tĩnh mạch nên đi bộ. Vì đi bộ có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện bệnh này. Việc đi bộ đều đặn có thể cải thiện hoạt động của các bơm tĩnh mạch, giúp đẩy máu về tim tốt hơn. Nhờ đó, làm giảm áp lực tĩnh mạch do ứ đọng.
Cụ thể, khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Hoạt động co cơ cẳng chân tăng áp lực để đẩy dòng máu từ tĩnh mạch về tim.
Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu khi chân đang vận động giúp máu đẩy mạnh về tim. Nhờ đó giúp làm giảm tình trạng ứ đọng, giảm áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người suy tĩnh mạch mạn tính nếu đi bộ ít hơn 10 phút/ngày có nguy cơ loét chân cao hơn nhóm người tập thể dục tích cực.
Cách đi bộ đối với những người có bệnh suy tĩnh mạch chân:
+ Nếu người bệnh chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu với thời gian và quãng đường ngắn, sau đó tăng dần.
+ Ở những người loét chân do suy tĩnh mạch, sự vận động cổ chân sẽ bị hạn chế. Những người bệnh này cần được vật lý trị liệu cổ chân và giảm đau trước khi đi bộ.