Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích là những phương pháp điều trị ung thư gan hiện nay. Vậy trong số đó, hóa trị ung thư gan nhằm mục đích gì, có tác dụng điều trị như thế nào và cách chăm sóc bệnh nhân ung thư gan khi điều trị bằng hóa chất ra sao, hãy tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về hóa trị điều trị ung thư gan
1.1 Hóa trị liệu có tác dụng như thế nào trong điều trị ung thư gan
Hóa trị liệu là một phương pháp điều trị ung thư gan bằng cách đưa thuốc làm độc tế bào để gây chết và loại bỏ các tế bào ung thư. Đối với ung thư gan, sử dụng hóa chất điều trị sẽ nhằm các mục đích sau đây:
– Điều trị dứt điểm ung thư gan
– Làm chậm sự phát triển và lan rộng của ung thư gan
– Làm giảm triệu chứng do ung thư gan gây ra ở người bệnh
1.2 Cách thực hiện hóa trị ung thư gan
Hóa trị liệu sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân ung thư gan được đưa vào cơ thể theo nhiều cách khác nhau.
– Hóa trị toàn thân: Là hình thức đưa thuốc/ hóa chất điều trị ung thư gan vào cơ thể thông qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Thuốc sau khi vào cơ thể sẽ đi vào trong máu và đến toàn bộ các cơ quan trên cơ thể để kiểm soát sự tiến triển của tế bào ung thư gan. Phương pháp này hữu ích và có hiệu quả đối với các trường hợp ung thư gan đã lan sang các bộ phận ngoài gan.
Liệu trình hóa trị cho bệnh nhân ung thư gan sẽ được thực hiện theo chu kỳ, sau mỗi chu kỳ dùng thuốc bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi sau dùng hóa chất.
– Nút mạch hóa chất động mạch gan (TACE): Là hình thức đưa trực tiếp thuốc vào động mạch gan đến khối u gan ác tính nhằm mục đích cắt nguồn nuôi dưỡng và tiêu diệt khối u.
Phương pháp nút mạch gan được chỉ định thực hiện trong các trường hợp ung thư gan ở giai đoạn trung gian chưa có di căn ra bên ngoài gan, ung thư chưa ảnh hưởng nặng đến gan và sức khỏe người bệnh…
1.3 Các tác dụng phụ của hóa trị ung thư gan
Điều trị ung thư gan bằng hóa chất người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc đi đến các cơ quan trên cơ thể theo đường máu, hoặc thuốc chỉ đi vào động mạch gan. Việc xảy ra các tác dụng phụ là không thể tránh khỏi, và ở mỗi bệnh nhân mức độ ảnh hưởng do hóa chất là khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, thời gian, liều lượng sử dụng…
Một số tác dụng phụ phổ biến bệnh nhân mắc ung thư gan điều trị bằng hóa chất có thể gặp phải đó là: Loét miệng, rụng tóc, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, ăn không ngon miệng, dễ bầm tím, dễ bị nhiễm trùng…
Các triệu chứng này thường không kéo dài và có thể kiểm soát được bằng các một số biện pháp trong chế độ sinh hoạt hàng ngày và thuốc hỗ trợ. Trong trường hợp nếu thấy những dấu hiệu bất thường bạn nên nhanh chóng thông báo ngay với bác sĩ trực tiếp điều trị để được tư vấn và khắc phục nếu đó là những triệu chứng gây ra bởi ung thư.
2. Cách chăm sóc bệnh nhân hóa trị ung thư gan
2.1 Nghỉ ngơi đầy đủ là cách chăm sóc thúc đẩy sức khỏe bệnh nhân ung thư gan
Điều trị ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng là một một quá trình dài và người bệnh thường ở trong trạng thái mệt mỏi vì ung thư, mệt mỏi vì thường nằm một chỗ… Vậy nên, người bệnh cần cân đối thời gian ngủ nghỉ đủ giấc để tránh ảnh hưởng đến thể trạng sức khỏe đồng thời luyện tập thể dục, vận động hàng ngày để giảm căng thẳng, tránh nằm một chỗ quá nhiều. Việc vận động nhẹ nhàng hàng ngày còn giúp cơ thể ngủ nghỉ tốt hơn, giảm tình trạng thiếu ngủ, trằn trọc…
2.2 Chăm sóc bệnh nhân hóa trị ung thư gan bằng chế độ dinh dưỡng
Do các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể cũng bị tác động bởi thuốc hóa chất, vậy nên quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư gan bạn cần nạp đủ dinh dưỡng để cung cấp đủ calo và protein để giúp các tế bào tái tạo nhanh, giúp cơ thể nhanh phục hồi. Một chế độ ăn lành mạnh và đủ chất cho người bệnh ung thư gan bao gồm nhiều rau xanh, hoa quả, ít chất béo.
Các thực phẩm khuyến khích nên dùng bao gồm thực phẩm giàu acid amin giảm gánh nặng cho gan (ngũ cốc, các loại đậu, hạt, sữa…), protein từ động vật theo tỷ lệ 1-1,2g/1 kg cân nặng, protein từ thực vật, các thực phẩm giàu glucid (gạo, miến, bún, bánh mì, khoai…), thực phẩm chứa vitamin A, C, E có khả năng chống oxy hóa (cà rốt, cà chua, rau ngót, đu đủ…), chất béo nguồn gốc thực vật… Nên chế biến thực phẩm theo các dạng luộc, hấp, ít mùi, mềm lỏng dễ tiêu hóa. Và đặc biệt không nên ép người bệnh ăn, không để người bệnh bỏ bữa, hãy cố gắng để người bệnh ăn thành nhiều bữa nhỏ hàng ngày.
Tránh ăn các loại gỏi sống, đồ ăn tái, dầu mỡ sử dụng lại nhiều lần, thực phẩm đóng hộp, các chất kích thích, không nên dùng các loại thực phẩm dễ gây táo bón…
2.3 Những lưu ý khi gặp tác dụng phụ trong quá trình chăm sóc
Trong trường hợp gặp tác dụng phụ như nôn hoặc buồn nôn thì nên để bệnh nhân sử dụng thức ăn dưới dạng mềm lỏng dễ nuốt, ít mùi. Và có thể sử dụng kèm thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt giảm triệu chứng buồn nôn, nôn.
Hoặc nếu bệnh nhân gặp tình trạng đau miệng, lở loét miệng thì nên chăm sóc răng miệng bằng cách sử dụng bàn chải mềm, súc miệng bằng nước muối loãng. Và không nên ăn đồ quá nóng hoặc lạnh.
Khi gặp các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu thì nên bổ sung sữa chua, nước cháo gạo, nước gừng vào bữa phụ.
Trong trường hợp có tình trạng giảm bạch cầu tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ bị chảy máu do giảm tiểu cầu thì người bệnh cần thường xuyên rửa tay đúng quy định, hạn chế tiếp xúc với người có bệnh nhiễm trùng, theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, ăn uống sạch đảm bảo vệ sinh, nên sử dụng thực phẩm có tính kháng khuẩn…
Hy vọng với những chia sẻ về cách chăm sóc bệnh nhân ung thư gan điều trị bằng hóa chất đã giúp bạn hiểu thêm về phương pháp điều trị này và chuẩn bị tốt tâm lý và sức khỏe để đạt được kết quả tích cực trong điều trị. Điều trị ung thư gan không chỉ sử dụng hóa chất đơn lẻ mà còn được kết hợp với các phương pháp điều trị khác để tăng hiệu quả. Chính vì vậy tuân thủ phác đồ điều trị, lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ, chăm sóc sức khỏe và tinh thần tốt để duy trì đúng theo liệu trình điều trị sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả tốt.