Chào bạn,
Viêm gan D là bệnh viêm gan do virus HDV (Hepatitis D virus) gây ra. Thực chất, đây là một biến chứng của bệnh viêm gan B. Bởi HDV sử dụng kháng nguyên vỏ của HBV (HBsAg) để xâm nhập và thoát khỏi tế bào gan. Cũng có nghĩa viêm gan do HDV vì vậy chỉ xảy ra trên bệnh nhân dương tính với HBsAg. Theo thống kê, có khoảng 5% người bệnh mắc phải viêm gan B sau đó sẽ bị nhiễm viêm gan D. Do vậy, nếu đã bị viêm gan B mạn tính thì việc bạn nhiễm virus HDV là điều hoàn toàn có thể lý giải được.
Có 2 thể viêm gan D là đồng nhiễm hoặc là bội nhiễm với HBV. Sự tồn tại của HDV làm làm nặng thêm tình trạng bệnh, thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới xơ gan, tăng nguy cơ xơ gan mất bù và tử vong so với bệnh nhân chỉ nhiễm HBV. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người mắc bệnh viêm gan B nên xét nghiệm anti-HDV ít nhất là một lần.
Cũng như viêm gan B, viêm gan D lây qua đường máu, đường tình dục và truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng của viêm gan D bao gồm: nước tiểu sẫm màu, đau bụng thường xuyên vàng da, buồn nôn hoặc nôn, bầm tím hoặc bị chảy máu, ngứa ngáy…Một số bệnh nhân trong thời kì HDV bùng phát còn có thể có hiện tượng sốt cao, vàng da, đau tại vị trí góc phải của thượng vị, các bệnh lý về não…
Để chẩn đoán viêm gan do HDV hoạt động, bạn cần làm xét nghiệm HDV-RNA trong huyết thanh, xét nghiệm anti-ADV, HBsAg,…
Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa viêm gan D. Khi đã bị nhiễm HDV, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc ức chế sự xâm nhập và phát triển của virus, nhưng nên tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giải đáp các thắc mắc của bạn. Hãy gửi câu hỏi về cho chúng tôi nếu bạn gặp bất cứ vấn đề nào về sức khỏe để được tư vấn chi tiết.