Chào anh Dũng, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Hỏi – Đáp của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI. Với câu thắc mắc của anh Dũng, chúng tôi xin phép được trả lời như sau:
Triglyceride là chất béo trung tính (lipid). Cơ thể tạo ra triglyceride và cũng nhận được chất này từ thực phẩm ăn vào mỗi ngày. Tăng triglyceride máu và các rối loạn do tăng triglyceride máu gây ra thực sự khá nguy hiểm. Cụ thể nếu nồng độ triglycerid tăng cao có thể dẫn đến:
– Làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, dẫn đến góp phần vào việc tắc nghẽn các động mạch khác của cơ thể và cuối cùng sẽ dẫn đến một cơn đau tim hoặc cơn đột quỵ.
– Nồng độ triglyceride máu vượt quá 500mg/dL có thể dẫn đến bệnh viêm tụy cấp, đe dọa tính mạng.
– Nồng độ triglyceride tăng cao trong máu, kết hợp với cholesterol máu cao càng làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và viêm tụy cấp.
Do có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy để kiểm soát nồng độ triglycerid, việc xét nghiệm nồng độ triglyceride thường đi kèm với các xét nghiệm chuyển hóa lipid khác (cholesterol toàn phần, cholesterol xấu…) là rất cần thiết. Cụ thể:
– Người trẻ: hiện nhiều người trẻ, nhất là giới văn phòng ở các thành phố lớn bị mỡ máu “xấu” do ít tập thể dục, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, thức ăn nhanh… do đó cần kiểm tra triglyceride mỗi năm 1 lần khi khám sức khỏe tổng quát.
– Người lớn: chất béo trung tính sẽ tăng cao cùng độ tuổi. Với người không có bệnh nền nhưng nếu từ 40-55 tuổi (nam giới) và từ 50-65 tuổi (phụ nữ) cần xét nghiệm 2 lần/năm.
– Người bệnh nền: người bệnh đái tháo đường, tiền sử gia đình có cholesterol cao, người mắc bệnh tim… có thể xét nghiệm thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ, có thể 4 – 6 lần/năm
Ngoài ra khi có nồng độ triglycerid tăng cao, anh Dũng cũng nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao để làm giảm nồng độ triglyceride máu và tăng nồng độ HDL máu (mỡ máu tốt). Không những vậy chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột, đường; bổ sung nhiều rau xanh, nhất là rau củ chứa nhiều chất xơ giúp giảm mỡ máu cho cơ thể; dùng chất béo lành mạnh như chất béo từ thực vật và các loại cá có nhiều axit béo Omega-3.
Mong rằng anh Dũng sẽ có chế độ điều trị bệnh hiệu quả và có kết quả khả quan hơn trong những lần khám sau.