Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến với chúng tôi,
Bệnh đục thủy tinh thể là trạng thái rối loạn thị lực từ nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát làm thành phần protein của thủy tinh thể bị thay đổi khiến thủy tinh thể chuyển sang mờ đục. Điều này cản trở ánh sáng đi qua dẫn đến suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và thậm chí gây mù lòa. Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn có nhiều tên gọi khác như bệnh cườm khô, đục nhân mắt…
Tùy theo vị trí vết đục ban đầu hình thành từ đâu mà người ta chia thành ba dạng phổ biến dưới đây:
– Đục vỏ: Trong giai đoạn sớm của bệnh, sẽ bắt đầu xuất hiện một vết đục ở lớp ngoài vỏ bọc thủy tinh thể. Sau đó vết đục lan dần từ ngoài rìa vào trung tâm làm suy giảm thị lực cả xa lẫn gần, hình ảnh nhìn bị méo mó và có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng.
– Đục nhân: Bệnh sẽ bắt đầu từ việc xơ hóa chất đặc bên trong thủy tinh thể. Điều này khiến cho độ hội tụ của mắt thay đổi, một số bệnh nhân có thể cải thiện thị lực gần trong một khoảng thời gian ngắn. Tiếp đó, bên trong lõi thủy tinh thể bị đục nhiều hơn khiến bệnh nhân khó nhận biết được hình ảnh xung quanh, đặc biệt là khi thiếu sáng.
– Đục dưới bao: Lúc đầu vết đục sẽ xuất hiện ở cực sau nằm dưới bao thủy tinh thể. Điều này làm tán xạ ánh sáng đi qua võng mạc khiến người bệnh bị lóa mắt khi gặp ánh sáng và thấy rõ hơn khi vào trong bóng râm.
Bệnh này phần lớn khoảng 80% thì sẽ là người cao tuổi bị, và vẫn có thể gặp ở người trẻ tuổi ở một số trường hợp đặc biệt. Hy vọng với những thông tin trên đã phần nào giải đáp được thắc mắc của bạn rồi. Nếu như cần được tư vấn thêm thì liên hệ với tôi bạn nhé.