Là loại ung thư hiếm gặp nhưng ung thư tụy có tỷ lệ tử vong cao. Để phát hiện sớm và điều trị, tầm soát u tuyến tụy được các bác sĩ khuyến khích thực hiện định kỳ hàng năm. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, chỉ cần xét nghiệm ung thư tụy là đủ.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm ung thư tụy gồm những gì?
Xuyên suốt quá trình sàng lọc và điều trị ung thư tụy, xét nghiệm là danh mục không thể bỏ qua. Nó được chia thành 2 phần:
Xét nghiệm cơ bản
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu. Các thông số giúp kiểm tra chức năng hoạt động và phát hiện bệnh lý về máu, gan, thận, hệ bài tiết,…
Xét nghiệm chỉ điểm khối u
Khi các tế bào phát triển quá mức tạo thành khối u sẽ khiến nồng độ một chất đặc thù trong máu tăng cao. Thông qua việc đo lường nồng độ các chất này, bác sĩ có những chẩn đoán ban đầu về khả năng mắc ung thư của bệnh nhân. Đây cũng là xét nghiệm nhằm mục đích theo dõi tình hình bệnh trong và sau điều trị, đánh giá thực tế hiệu quả quá trình. Ví dụ:
– CA 125: Xét nghiệm ung thư buồng trứng
– CA 15-3/CA 27,29: Xét nghiệm ung thư vú
– CT: Xét nghiệm ung thư tuyến giáp
– PSA: Xét nghiệm ung thư tiền liệt tuyến
Đối với ung thư tuyến tụy và gan – túi mật, chất chỉ điểm là CA 19-9. Theo nghiên cứu, khoảng 70% số ca mắc u tụy có mức CA 19-9 tăng cao. Dựa theo kết quả đo lường, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sàng lọc hoặc điều trị tiếp theo cho phù hợp.
2. Ý nghĩa của CA 19-9 trong xét nghiệm ung thư tuyến tụy
Giá trị của chất chỉ điểm CA 19-9 được đánh giá theo từng giai đoạn phát hiện và điều trị ung thư tụy. Người bình thường có chỉ số CA 19-9 khoảng 37 UI/ml.
Giai đoạn tầm soát
Trong quá trình tiến hành kiểm tra và sàng lọc bệnh, sau khi nhận thấy những triệu chứng lâm sàng như suy nhược cơ thể, vàng da, sụt cân, nước tiểu thẫm màu,…bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm để tiên lượng ung thư. Độ nhạy của CA 19-9 lúc này khoảng 79-81%, tức 70-87 UI/ml. Độ đặc hiệu từ 82-90%. Nếu nồng độ đạt từ 1000 UI/ml trở lên, ung thư tụy có khả năng di căn xa.
Giai đoạn phát triển bệnh
Ở giai đoạn đầu, nồng độ chất chỉ điểm ở mức trung bình hoặc vượt ngưỡng bình thường khoảng 40%. Do u tuyến tụy là bệnh tiến triển ngầm, các dấu hiệu mờ nhạt khó nhận biết. Nếu phát hiện kịp thời và điều trị trong giai đoạn này, bệnh có khả năng chữa thành công.
Giai đoạn 2, 3
Chỉ số CA 19-9 lúc này lớn hơn 120 UI/ml. Khối u phát triển nhanh chóng, lan rộng quanh mô tuyến tụy, hạch bạch huyết và dần dần đóng chiếm toàn bộ tuyến. Phương pháp sử dụng có thể là hóa trị, xạ trị,…
Giai đoạn di căn
Lúc này, nồng độ chất chỉ điểm có thể đạt hơn 1000 UI/ml. Tế bào ung thư di căn sang các cơ quan khác xa hơn tuyến tụy như gan, phổi,… Bệnh nhân không thể cắt bỏ khối u, chỉ có thể kết hợp các phương pháp để kéo dài thời gian sống.
Giai đoạn đánh giá mức độ tái phát sau điều trị
Trong suốt quá trình chữa trị, nếu nồng độ CA 19-9 giảm dần, tức bệnh nhân có kết quả khả quan và tăng thời gian sống. Trường hợp ngược lại, bệnh có khả năng tái phát và gây hại. Cụ thể, nếu trước phẫu thuật, chỉ số CA 19-9 nhỏ hơn 37 UI/ml, thời gian sống khoảng 32-36 tháng. Chỉ số lớn hơn 37, thời gian chỉ khoảng 12 – 15 tháng. Sau khi phẫu thuật hoặc điều trị, mức độ CA 19-9 giảm từ 20-50% hoặc về ngưỡng trung bình, thời gian sống của bệnh nhân có thể tăng lên nhiều hơn.
3. Giải đáp thắc mắc xung quanh xét nghiệm u tuyến tụy
3.1. Xét nghiệm ung thư tụy có chính xác không?
Trước hết cần khẳng định lại, không có bất kỳ phương pháp y học nào cho kết quả chắc chắn chính xác 100%. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sai lệch hay rủi ro. Riêng với xét nghiệm tầm soát ung thư tụy, kết quả có thể dương tính giả hoặc âm tính giả.
Trường hợp dương tính giả do trong máu có những chất tương đồng với khối u. CA 19-9 tăng cao không chỉ biểu thị dấu hiệu ung thư tụy, còn có thể là ung thư đường mật, hay các bệnh lành tính khác như tắc mật. Hoặc khi u tụy ở giai đoạn đầu, triệu chứng không có, nồng độ chất chỉ điểm không tăng dẫn tới kết quả âm tính giả. Điều này khá nguy hiểm bởi bệnh nhân sẽ nhầm tưởng mình không có bệnh. Nhưng trên thực tế bệnh vẫn đang âm thầm phát triển trong tuyến.
Do đó, khi sàng lọc u tuyến tụy, xét nghiệm chỉ là một trong các bước để bác sĩ tiên lượng bệnh. Từ kết quả này mà bác sĩ chỉ định các phương pháp tầm soát chuyên sâu hơn như siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, sinh thiết,… để khẳng định chắc chắn khả năng mắc bệnh. Đồng thời bệnh nhân cũng nên thực hiện sàng lọc theo quy trình khám khép kín, không thực hiện xét nghiệm đơn lẻ để tránh kết quả không đủ kết luận.
3.2. Xét nghiệm ung thư tụy cần lưu ý gì?
Một số lưu ý trước buổi xét nghiệm mà người bệnh cần ghi nhớ:
– Không ăn sáng trước buổi xét nghiệm
– Không uống rượu bia, hút thuốc và chất có cồn khoảng 24h trước xét nghiệm
– Không ăn đồ ngọt, chất béo quá nhiều tránh tăng đường huyết
– Mang theo thuốc tiểu đường, các thuốc đang sử dụng khi đi gặp bác sĩ
– Uống đủ nước
Chốt lại, dù không phải tối ưu nhất, nhưng xét nghiệm là phương pháp thiết yếu trong việc khám và chữa ung thư tụy. Mọi người hãy hiểu biết và lựa chọn sáng suốt địa chỉ và gói khám phù hợp với mình.