Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ hay gặp như sốt, ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi…Những triệu chứng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ. Tình trạng bệnh nặng hơn có thể gây biến chứng.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ
Tùy vào từng giai đoạn bệnh cụ thể mà có các triệu chứng bệnh khác nhau.
Giai đoạn đầu: Bệnh có thể khởi phát từ từ với các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: sốt nhẹ (37,5 độ C), ho khan, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, trẻ hay quấy khóc.
Bệnh có thể khởi phát đột ngột với các triệu chứng rất nặng như: sốt cao, khó thở, tím tái, rối loạn tiêu hóa.. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng thêm và chuyển sang giai đoạn toàn phát sẽ rất nguy hiểm
Giai đoạn 2: Ở giai đoạn toàn phát, trẻ có những biểu hiện nhiễm khuẩn rõ rệt, sốt cao ( 38-40 độ C), toàn thân mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, ra nhiều mồ hôi, chán ăn, trẻ hay quấy khóc. Đặc biệt trẻ xuất hiện những triệu chứng hô hấp rất rõ:
– Ho: Trẻ ho nhiều, thường xuyên, có thể ho khan (thường gặp ở trẻ nhỏ), hay có đờm, ho kéo dài từng cơn, có đặc tính co thắt, rất khó chịu giống như kiểu ho gà.
– Khó thở: Đây là triệu chứng thường gặp và rất quan trọng, trẻ thường phải tăng tần số thở, cánh mũi phập phồng, mỗi lần thở nhận thấy rõ sự co rút lồng ngực.
– Tím tái: Thường gặp ở các trường hợp trẻ bị bệnh viêm phế quản phổi nặng, biểu hiện: tím quanh môi, đầu các chi, lưỡi hoặc toàn thân.
Ngoài ra trẻ bị bệnh viêm phế quản phổi ở giai đoạn toàn phát còn có các biểu hiện khác như: rối loạn tiêu hóa (chán ăn, hay trớ, trướng bụng, tiêu lỏng), xuất hiện các triệu chứng thần kinh (vật vã, kích thích, li bì, co giật và nặng hơn có thể hôn mê)…
Khi thấy các triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2. Vậy điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ như thế nào?
Căn cứ vào từng nguyên nhân gây bệnh, mức độ nặng nhẹ mà có cách điều trị khác nhau. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ cải thiện nhanh chóng. Trường hợp trẻ có biểu hiện nặng như khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi… cần được nhập viện sớm.
Với trẻ viêm phế quản phổi nhẹ, không có có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Cách chăm sóc toàn diện là: ủ ấm, ăn sữa, uống nước đủ hàng ngày. Nếu sốt cao dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol. Có thể nhỏ mũi 2 – 3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ và tránh việc trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, các bậc cha mẹ cần có biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp như giữ ấm cơ thể cho trẻ nhất là trong những ngày thời tiết chuyển mùa, lạnh đột ngột. Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ, nên đưa trẻ tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm điều chỉnh phác đồ chữa viêm phế quản phổi phù hợp.