Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp có độ chính xác cao được ứng dụng phổ biến hàng đầu trong chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa trên. Để tìm hiểu rõ hơn về giá trị, các phương pháp và quy trình nội soi dạ dày tá tràng, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là nội soi dạ dày tá tràng?
Nội soi dạ dày tá tràng là thăm dò chức năng thăm khám trực tiếp ống tiêu hóa trên. Phần trên của ống tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng.
Để thực hiện nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi đưa qua đường miệng hoặc mũi vào thực quản, xuống dạ dày và tá tràng. Đầu ống nội soi có gắn đèn chiếu sáng và camera ghi hình trực tiếp lớp niêm mạc đường tiêu hóa trên. Hình ảnh này sẽ được chiếu lên các màn hình nội soi giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện các bất thường, tổn thương (nếu có) tại đây.
Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp được ứng dụng phổ biến hàng đầu hiện nay nhằm xác định tình trạng đường tiêu hóa trên, tìm ra nguyên nhân và can thiệp điều trị hiệu quả.
Đặc biệt, sự phát triển của các công nghệ nội soi hiện đại như nội soi cao cấp MCU, nội soi ánh sáng dải tần hẹp NBI 5P đã mang đến bước tiến trong tầm soát và xử lý ung thư sớm đường tiêu hóa. Các công nghệ nội soi tiên tiến này hiện đang được Thu Cúc TCI ứng dụng hiệu quả.
2. Thực hiện nội soi dạ dày tá tràng nhằm mục đích gì?
Trước khi tìm hiểu quy trình nội soi dạ dày tá tràng, hãy khám phá mục đích của thăm dò chức năng này. Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày trong các trường hợp như sau:
– Chẩn đoán xác định các bất thường, bệnh lý tại thực quản, dạ dày, tá tràng và tìm nguyên nhân gây ra các bất thường, bệnh lý đó.
– Sinh thiết lấy mẫu mô nhằm chẩn đoán vi khuẩn HP dạ dày, tìm dấu ấn ung thư thực quản, dạ dày, tá tràng.
– Can thiệp điều trị các bệnh lý tại đường tiêu hóa trên như: lấy dị vật, cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa trên, nong thực quản, cắt polyp, loại bỏ các tổ chức tiền ung thư hoặc ung thư sớm,…
3. Nội soi dạ dày tá tràng gồm những phương pháp nào?
Hiện nay có nhiều phương pháp nội soi dạ dày tá tràng khác nhau, phù hợp với nhiều trường hợp bệnh. Trong đó, các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến hàng đầu hiện nay gồm:
– Nội soi dạ dày tá tràng thường quy qua đường miệng: Ống nội soi đưa vào đường tiêu hóa trên qua đường miệng khi người bệnh hoàn toàn tỉnh táo. Ống nội soi đi qua hầu họng có thể khiến người bệnh buồn nôn, khó chịu. Tuy nhiên, điều này sẽ được hạn chế tối đa nhờ tay nghề của bác sĩ nội soi và sự thư giãn tâm lý của người bệnh.
– Nội soi dạ dày tá tràng qua đường mũi: Ống nội soi kích thước nhỏ sẽ được đưa qua đường mũi để thăm khám đường tiêu hóa trên. Người bệnh tỉnh táo và không có cảm giác buồn nôn, khó chịu do ống soi không kích thích vùng hầu họng. Phương pháp này không được chỉ định với những người bị hẹp khe mũi hoặc có bệnh lý về mũi.
– Nội soi dạ dày tá tràng gây mê: Còn được gọi là nội soi không đau, người bệnh được gây mê tĩnh mạch và có giấc ngủ ngon êm ái trong suốt quá trình thực hiện. Người bệnh không bị kích thích bởi ống nội soi, không hề có cảm giác đau, buồn nôn hay khó chịu. Nội soi không đau còn đảm bảo an toàn khi thực hiện các thủ thuật can thiệp tại đường tiêu hóa trên.
4. Tìm hiểu quy trình nội soi dạ dày tá tràng
Thông thường nội soi dạ dày tá tràng sẽ được tiến hành với các công đoạn cụ thể như sau:
4.1. Chuẩn bị trước khi thực hiện nội soi dạ dày tá tràng
Để quá trình nội soi dạ dày thuận lợi, người bệnh cần lưu ý chuẩn bị một số điều trước nội soi gồm:
– Trong trường hợp đang dùng các loại thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên tạm ngừng sử dụng hay không.
– Người bệnh cần nhịn uống ít nhất 2 giờ và nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi. Điều này nhằm đảm bảo dạ dày trống, tránh tình trạng trào ngược vào phổi khi nội soi gây mê.
– Người bệnh chỉ uống nước và thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Lưu ý tránh sử dụng các loại nước có màu vì chúng có thể gây nhầm lẫn với hiện tượng xuất huyết tiêu hóa.
4.2. Các bước trong quy trình nội soi dạ dày tá tràng
Quá trình nội soi dạ dày cơ bản thường bao gồm các bước sau đây:
– Bước 1: Bác sĩ Tiêu hóa thăm khám lâm sàng, đánh giá bệnh lý, bệnh sử và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp nội soi dạ dày phù hợp cho từng người bệnh.
– Bước 2: Người bệnh hoàn thiện hồ sơ trước nội soi, bao gồm các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh lý, dị ứng, huyết áp.
– Bước 3: Người bệnh uống dung dịch có tác dụng làm sạch bọt trong dạ dày, giúp bác sĩ thuận tiện quan sát lớp niêm mạc.
– Bước 4: Bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày tá tràng cho người bệnh. Nếu thực hiện nội soi gây mê, người bệnh sẽ được đặt đường truyền và gây mê tĩnh mạch bằng máy bơm tiêm điện tự động. Người bệnh nằm nghiêng về bên trái, chân phải co, chân trái duỗi thẳng. Bác sĩ sẽ gắn các thiết bị theo dõi huyết áp, mạch, nhịp tim của người bệnh. Sau đó bác sĩ đưa ống nội soi vào đường tiêu hóa trên để quan sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường, ghi lại hình ảnh để phục vụ chẩn đoán và điều trị.
4.3. Sau khi hoàn tất quy trình nội soi dạ dày tá tràng
Sau khi kết thúc nội soi, người bệnh nghỉ ngơi chờ tỉnh mê (với nội soi không đau), nhận suất ăn nhẹ, kiểm tra lại huyết áp và nhận kết quả nội soi. Người bệnh quay trở lại phòng khám ban đầu để đọc kết quả cùng bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán, tư vấn cụ thể về phác đồ điều trị và hẹn lịch tái khám cho người bệnh.
Quy trình nội soi dạ dày tá tràng cần được xây dựng tinh gọn, khoa học nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và tối ưu thời gian thực hiện cho người bệnh. Việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín là yếu tố quan trọng quyết định tính chính xác của chẩn đoán và điều trị. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu để chọn đúng địa chỉ nội soi dạ dày tá tràng tin cậy.