Kết quả nội soi viêm dạ dày và chỉ định điều trị sau nội soi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI 

Hà Quang Luật

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện các bất thường ở đường tiêu hóa trên. Khi có kết quả nội soi viêm dạ dày, bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác tình trạng bệnh và từ đó đưa ra phác đồ điều trị chi tiết.

1. Nội soi dạ dày và thông tin những điều cần tìm hiểu

1.1. Mục đích nội soi dạ dày

Thực hiện nội soi dạ dày bằng cách đưa một ống soi mềm kích thước nhỏ có gắn camera từ đường miệng qua hầu họng đến thực quản và dạ dày của bệnh nhân. Nhờ đó, giúp bác sĩ tìm ra các tổn thương bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng. Như vậy, nội soi nhằm phát hiện những tổn thương bất thường, các bệnh lý ở dạ dày như viêm loét, nhiễm trùng, polyp dạ dày hoặc dùng để lấy mô sinh thiết chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày.

Mục đích nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày giúp phát hiện các bất thường và bệnh lý gặp phải ở đường tiêu hóa trên.

Những trường hợp nên chủ động thực hiện thăm khám tiêu hóa và nội soi dạ dày:

– Người hay bị đau vùng bụng thượng vị;

– Sụt cân nhanh không tìm rõ nguyên nhân;

– Buồn nôn hoặc nôn;

– Đi ngoài phân đen;

– Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng;

– Khó tiêu, đầy bụng, nặng bụng, bị trào ngược;

– Khó nuốt hoặc có cảm giác vướng thức ăn ở cổ họng;

– Chán ăn;

– Đau họng kéo dài;

– Có tiền sử dùng thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh, giảm đau liên tục;

– Người đang theo dõi bệnh lý dạ dày như viêm loét, polyp,…;

– Người có nhu cầu tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư dạ dày – thực quản.

1.2. Yêu cầu trước nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là loại thủ thuật có xâm lấn nên đòi hỏi người bệnh cần lưu ý tuân thủ một số yêu cầu cụ thể để quá trình nội soi diễn ra hiệu quả và an toàn:

– Người bệnh cần nhịn ăn trong ít nhất 6-8 tiếng trước nội soi. Việc nhịn ăn để đảm bảo dạ dày được rỗng, thuận tiện cho việc quan sát khi nội soi và tránh tình trạng sặc thức ăn khi soi.

– Không uống các loại đồ uống có máu trước nội soi như sữa, nước hoa quả, nước uống có gas, đồ uống có cồn,…

– Với những trường hợp đã hoặc đang dùng thuốc Tây trong điều trị bệnh hoặc các loại kháng sinh, kháng viêm,… cần thông báo trước với bác sĩ để được hướng dẫn dừng thuốc trước nội soi đúng cách để không ảnh hưởng đến kết quả nội soi.

– Cần trao đổi rõ với bác sĩ nếu người bệnh có tiền sử mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, bệnh thận hoặc bị dị ứng,….

– Người bệnh chỉ thực hiện nội soi khi đáp ứng đủ điều kiện nội soi và có chỉ định từ bác sĩ.

– Người bệnh nên đặt lịch thăm khám và nội soi trước tại nơi đăng ký nội soi để được tư vấn đầy đủ về các yêu cầu trước nội soi.

1.3. Tìm hiểu về quy trình tiến hành thủ thuật nội soi dạ dày

Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, nội soi dạ dày có gây mê được thực hiện theo đúng quy trình các bước sau đây:

Bước 1: Khám ban đầu chuyên khoa tiêu hóa và nhận chỉ định nội soi.

Bước 2: Làm các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định.

Bước 3: Điều dưỡng kiểm tra các yêu cầu trước nội soi dạ dày.

Bước 4: Người bệnh uống thuốc tan bọt dạ dày.

Bước 5: Người bệnh được đặt đường truyền mê và bác sĩ tiến hành gây mê.

Bước 6: Bác sĩ bắt đầu nội soi dạ dày.

Bước 7: Hoàn tất thủ thuật, rút đường truyền mê.

Bước 8: Người bệnh tỉnh mê, được kiểm tra lại huyết áp.

Bước 9: Đọc kết quả nội soi tại phòng khám ban đầu và nhận chỉ định điều trị sau nội soi.

Bên cạnh nội soi dạ dày còn có nội soi đại tràng (nội soi đường tiêu hóa dưới) hoặc nội soi kép (nội soi cả dạ dày và đại tràng). Đối với nội soi đại tràng, người bệnh cần thực hiện thêm bước làm sạch đại tràng trước khi nội soi. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người từ 45 tuổi kể cả khi không có các triệu chứng cũng nên chủ động nội soi dạ dày đại tràng tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư.

Quy trình nội soi dạ dày

Người bệnh thăm khám chuyên khoa tiêu hóa và thực hiện nội soi dạ dày theo đúng quy trình được hướng dẫn.

2. Kết quả nội soi viêm dạ dày

2.1. Bao lâu có kết quả nội soi viêm dạ dày?

Thực hiện nội soi dạ dày được diễn ra khá nhanh chóng, thường chỉ mất khoảng 15-20 phút. Trong trường hợp phát sinh các can thiệp qua nội soi như cầm máu tổn thương, lấy dị vật hoặc cắt polyp dạ dày thì thời gian nội soi sẽ kéo dài lâu hơn tùy từng trường hợp cụ thể.

2.2. Ý nghĩa kết quả nội soi viêm dạ dày

Kết quả nội soi dạ dày sẽ phản ánh đầy đủ, chi tiết về hình ảnh niêm mạc toàn bộ đường tiêu hóa trên. Qua đó, bác sĩ có thể xác định về vị trí tổn thương cũng như mức độ tổn thương. Không chỉ vậy, thông qua nội soi bác sĩ còn có thể thực hiện sinh thiết tìm vi khuẩn HP – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý ở dạ dày. Nếu kết quả là dương tính với vi khuẩn HP có thể kết luận về nguyên nhân gây viêm loét dạ dày và từ đó lên đúng phác đồ điều trị chi tiết.

Kết quả nội soi viêm dạ dày

Kết quả nội soi phản ánh tình trạng ở dạ dày giúp bác sĩ lên đúng phác đồ điều trị.

3. Chỉ định điều trị sau nội soi dạ dày

Sau khi đã thực hiện nội soi xong, người bệnh trở lại phòng khám ban đầu và đọc kết quả cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Dựa theo hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ kết luận bệnh lý người bệnh gặp phải rồi lên chi tiết phác đồ điều trị cụ thể.

Khi kết quả nội soi viêm dạ dày, loét dạ dày, bác sĩ sẽ dựa theo căn nguyên bệnh, tình trạng viêm loét để chỉ định thuốc điều trị phù hợp kết hợp hướng dẫn về chế độ ăn và điều chỉnh thói quen lối sống khoa học. Đặc biệt, với trường hợp viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP dương tính sẽ cần ưu tiên tiêu diệt HP.

Nội soi dạ dày đại tràng là lựa chọn tối ưu trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa. Khi có kết quả nội soi viêm dạ dày, người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định điều trị được bác sĩ chuyên khoa đưa ra để xử lý bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital