Nhau cài răng lược là một biến chứng vô cùng nghiêm trọng, xảy ra ở các mẹ bầu, không chỉ gây nguy hiểm khi sinh mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong. Vậy triệu chứng nhau cài răng lược là gì, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về hiện tượng nhau cài răng lược
“Người chửa cửa mả” là câu nói thể hiện chính xác nhất những khó khăn, nguy hiểm mà phụ nữ khi mang thai có nguy cơ phải đối mặt. Một trong số đó chính là biến chứng thai kỳ mang tên nhau cài răng lược.
1.1. Thế nào là nhau cài răng lược?
Thông thường, sau khi em bé chào đời, bánh nhau sẽ tự động rời khỏi thành tử cung. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bánh nhau phát triển, khiến cho một phần của bánh nhau hoặc tất cả bánh nhau xâm lấn sâu vào thành tử cung và có nguy cơ lan sang các cơ quan xung quanh. Hiện tượng đó được gọi là nhau cài răng lược.
1.2. Các mức độ của nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược được chia thành 3 thể chính, dựa vào mức độ xâm lấn của bánh nhau:
- Accreta: Đây được coi là thể nhẹ nhất, cũng là thể phổ biến nhất (Chiếm 79%). Khi đó, bánh nhau bám trực tiếp trên bề mặt tử cung.
- Increta: Đây là thể trung bình, chiếm 14%. Khi đó, bánh nhau xâm nhập vào sâu bên trong cơ tử cung. Tuy nhiên, bánh nhau vẫn chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung.
- Percreta: Ở thể này, bánh nhau xâm lấn nghiêm trọng, xuyên qua lớp thanh mạc tử cung và vào sâu đến những cơ quan lân cận như ruột hay bàng quang. Tuy chỉ chiếm 7% các trường hợp nhưng đây chính là thể nặng nhất.
1.3. Hiện tượng nhau cài răng lược gây ảnh hưởng như thế nào?
Tuy là một tai biến sản khoa rất hiếm gặp nhưng nếu không được chẩn đoán, phát hiện và cấp cứu kịp thời thì chắc chắn nhau cài răng lược sẽ đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé.
Nhau cài răng lược là một trong những “thủ phạm” gây ra băng huyết nghiêm trọng sau sinh, rối loạn đông máu, và thậm chí là gây tử vong cho sản phụ. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu được chẩn đoán bị nhau cài răng lược thì chắc chắn bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ, thậm chí phải cắt bỏ tử cung trong lúc mổ, để đảm bảo an toàn cho sản phụ.
2. Đối tượng nào dễ mắc nhau cài răng lược?
Nếu mẹ bầu có những đặc điểm sau thì có nguy cơ mắc nhau cài răng lược cao hơn các mẹ khác:
- Phụ nữ mang thai đầu khi đã qua tuổi 35
- Phụ nữ bị nhau thai tiền đạo hoặc nhau thai nằm ở phần dưới tử cung
- Phụ nữ có tử cung bất thường như u xơ hoặc có sẹo
- Phụ nữ đã từng thực hiện phẫu thuật tử cung
- Phụ nữ có tiền sử nạo thai nhiều lần hoặc viêm nhiễm âm đạo, niêm mạc tử cung
- Phụ nữ sinh nhiều con
3. Nguyên nhân và triệu chứng nhau cài răng lược
3.1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhau cài răng lược
Đến nay, các bác sĩ và chuyên gia sản khoa đều chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng nhau cài răng lược. Tuy nhiên, phần lớn các thai phụ gặp phải hiện tượng này đều có điểm chung là niêm mạc tử cung có vấn đề như đã từng sinh mổ, bóc u… thực hiện phẫu thuật trên tử cung, để lại sẹo trên thành tử cung.
Chính những bất thường này đã tạo điều kiện, giúp bánh nhau phát triển và nám quá sâu vào thành tử cung. Vì vậy, thai phụ có bánh nhau che khuất một phần hoặc toàn bộ tử cung cũng làm tăng nguy cơ mắc nhau cài răng lược.
Ngoài ra, việc mẹ bầu từng sinh mổ cũng góp phần khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc phải tình trạng trên. Đặc biệt, mẹ bầu sinh mổ càng nhiều thì càng có nguy cơ bị nhau cài răng lược.
3.2. Triệu chứng nhau cài răng lược
Rất nhiều mẹ bầu đều có chung thắc mắc “triệu chứng nhau cài răng lược là gì?”.
Khi thai phụ mắc nhau cài răng lược đều không gây ra những triệu chứng hay dấu hiệu nào cụ thể, rõ rệt. Phải đến những tháng cuối trong thai kỳ, khi mẹ bầu xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo thì mới có khả năng phát hiện ra. May mắn thay là kỹ thuật siêu âm hoàn toàn có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm hiện tượng này. Do đó, khám thai định kỳ là cách duy nhất để bác sĩ có thể kiểm tra xem thai phụ có mắc nhau cài răng lược hay không.
4. Các biến chứng có thể gặp phải
Mẹ có nguy cơ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nếu mắc nhau cài răng lược:
- Suy thai, sinh non
- Suy thận
- Các vấn đề về đông máu và xuất huyết sau sinh nghiêm trọng
- Hội chứng suy hô hấp
Ngoài ra, sinh mổ kết hợp cắt bỏ tử cung để lấy nhau thai ra khỏi cơ thể cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể người mẹ:
- Phản ứng với việc gây mê
- Nhiễm trùng vết mổ
- Tăng khả năng xuất huyết
- Tổn thương các cơ quan bị nhau thai xâm lấn
- Xuất huyết âm đạo ảnh hưởng đến tính mạng
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong tương lai
Không chỉ mỗi mẹ bầu mà ngay cả thai nhi cũng phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm:
- Chấn thương trong quá trình phẫu thuật
- Gặp vấn đề về hô hấp
- Nhiễm trùng
- Tắc mạch phổi
5. Chẩn đoán và điều trị nhau cài răng lược bằng cách nào
5.1. Các phương pháp chẩn đoán nhau cài răng lược
Hiện nay, với sự phát triển của y học, đặc biệt là sản khoa, nhau cài răng lược hoàn toàn có thể được phát hiện và chẩn đoán trong chính thai kỳ, dựa vào các phương pháp sau:
- Siêu âm thai: Phương pháp này có thể giúp phát hiện sớm nhau cài răng lược cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Nếu phương pháp siêu âm không phù hợp thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI để đưa ra kết luận chắc chắn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp phải đợi đến sau sinh, các bác sĩ không thấy nhau thai tự bong thì mới có thể chẩn đoán được. Do đó, lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại là điều vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình vượt cạn.
5.2. Các biện pháp điều trị bệnh nhau cài răng lược
Dựa vào các tiêu chí như: Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu; Vị trí của nhau bám; Diện tích và mức độ xâm lấn của bánh nhau vào thành tử cung… mà bác sĩ sẽ tư vấn những phương án xử lý và điều trị phù hợp.
- Trường hợp chẩn đoán chủ động trước sinh:
Nếu phát hiện thấy nhau bám quá sâu, quá chặt, xâm lấn tới cả các cơ quan lân cận thì các bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy em bé, để nguyên nhau. Bởi nếu cố bóc nhau sẽ làm băng huyết trầm trọng, gây tổn thương nặng nề đến tử cung và các cơ quan xung quanh.
Nếu mức độ xâm lấn nhẹ hơn, bác sĩ sẽ cố gắng mổ lấy bé và bóc phần nhau thai đã bong, phần còn lại sẽ dùng thuốc để làm thoái triển.
Nhìn chung, những ca mổ đẻ sản phụ bị nhau cài răng lược đều được đánh giá là những ca mổ khó nên đặc biệt yêu cầu tay nghề bác sĩ để hạn chế tối đa các rủi ro.
- Trường hợp chẩn đoán sau sinh:
Sau khi em bé ra đời mà bánh nhau không tự bong, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán. Dựa vào tình trạng sức khỏe của sản phụ cũng như mức độ bám của bánh nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương án điều trị cụ thể. Nhiều trường hợp sẽ phải cắt bỏ tử cung để đảm bảo an toàn cho mẹ. Nếu bánh nhau xâm lấn sâu, lan sang các cơ quan khác thì có khả năng các cơ quan đó cũng phải cắt bỏ một phần.
6. Làm thế nào để phòng ngừa nhau cài răng lược?
Đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào giúp điều trị tình trạng nhau cài răng lược. Tuy nhiên, các chị em hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau:
- Hạn chế nạo phá thai hoặc thực hiện phẫu thuật trên tử cung nhiều lần.
- Khám thai định kỳ và theo dõi trong suốt thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro của hiện tượng này.
- Có kế hoạch sinh nở phù hợp, hạn chế sinh mổ, tốt nhất là xin tư vấn của bác sĩ.
Có thể nói, nhau cài răng lược là hiện tượng nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sẽ hạn chế được những rủi ro và giúp mẹ mau chóng phục hồi hơn.
Hy vọng những thông tin từ bài viết này có thể giúp các mẹ bầu hiểu được tình trạng nhau cài răng lược và triệu chứng nhau cài răng lược!