Chuyên gia giải đáp: Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Hiện nay, rất nhiều mẹ bầu luôn muốn theo dõi thai kỳ bằng phương pháp siêu âm. Ngoài ra, có rất nhiều mẹ lo ngại rằng, việc siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không, sóng siêu âm có ảnh hưởng xấu hoặc gây dị tật thai nhi hay không?

1. Siêu âm thai nhi để làm gì? Có các phương pháp siêu âm nào?

Bằng việc dùng đầu dò với tần số cao để thu lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ, siêu âm là phương pháp không xâm lấn giúp các bác sĩ chẩn đoán tình trạng phát triển của thai nhi. Đồng thời giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường của em bé trong bụng mẹ thông qua các chỉ số thu được và hiển thị ở trên màn hình để cập nhật cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.

Hiện nay, siêu âm là phương pháp thăm khám thai nhi vô cùng phổ biến ở tất cả các bệnh viện cũng như cơ sở khám chữa bệnh. Những phương pháp siêu âm phổ biến thường được sử dụng cho phụ nữ mang thai là siêu âm trắng đen thường quy, siêu âm Doppler màu và siêu âm 3D – 4D – 5D.

Siêu âm thai là cách tốt nhất để kiểm tra tình trạng của thai nhi

Siêu âm thai là cách tốt nhất để kiểm tra tình trạng của thai nhi

1.1. Phương pháp siêu âm trắng đen 2D thường quy

Siêu âm trắng đen thường quy giúp bác sĩ nhìn thấy mức độ phản hồi của những cấu trúc thai nhi mạnh yếu khác nhau. Do đó, cường độ sáng ở trên màn hình siêu âm của những cấu trúc thai nhi sẽ có sự khác nhau. Điều này giúp bác sĩ siêu âm có thể phân biệt được thận, gan và ruột,…

1.2. Siêu âm Doppler màu

Siêu âm Doppler màu là phương pháp được sử dụng nhằm phát hiện dòng chảy, vận tốc và hướng của dòng chảy. Vì vậy, trong Sản khoa, phương pháp này được sử dụng để khảo sát mạch máu và tim thai.

Nhờ phương pháp siêu âm Doppler màu, các bác sĩ sẽ phát hiện được một số trường hợp hở van 2 lá hoặc 3 lá của tim thai và đo vận tốc dòng máu qua van động mạch phổi, động mạch chủ. Mục đích là để phát hiện ra những trường hợp thai nhi bị hẹp tim thai.

Trong những trường hợp nghi ngờ thai nhi nhỏ hay suy dinh dưỡng, siêu âm Doppler màu sẽ giúp đo các chỉ số trở kháng của động mạch não giữa, động mạch rốn,… của bào thai. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được sức khỏe của em bé trong bụng mẹ để đưa ra chỉ định tiếp tục theo dõi hoặc nên chấm dứt thai kỳ vì có dấu hiệu suy thai.

1.3. Siêu âm 3D – 4D – 5D

Phương pháp siêu âm màu này thường được bác sĩ chỉ định để khảo sát thêm những cấu trúc của thai nhi như gương mặt, tim thai,… Điểm đáng chú ý là độ chính xác của siêu âm 3D – 4D – 5D luôn cao hơn so với siêu âm trắng đen hoặc siêu âm Doppler màu.

Siêu âm 5D là phương pháp hiện đại nhất hiện nay

Siêu âm 5D là phương pháp hiện đại hiện nay

2. Giải đáp thắc mắc: Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Siêu âm thai là phương pháp cực kỳ phổ biến và thậm chí đã có nhiều mẹ bầu vì tò mò về tình trạng của con hoặc lo sợ sẽ xảy ra biến chứng thai kỳ nên đã lạm dụng đi siêu âm thai một cách không khoa học. Điều này diễn ra vô cùng phổ biến ở Việt Nam ngay cả khi sức khỏe của cả hai mẹ con hoàn toàn bình thường.

Theo các bác sĩ nhận định, trên thực tế vẫn chưa có cơ sở nào chứng minh rằng phương pháp siêu âm gây hại cho mẹ và bé. Tuy nhiên, việc lạm dụng siêu âm thai nhi nhiều lần là không nên, thậm chí phương pháp này còn gây hại cho tâm lý của người mẹ vì phải hồi hộp kiểm tra sức khỏe nhiều lần. Không chỉ vậy, phương pháp này còn gây rủi ro mỗi khi đi lại và gây lãng phí cả tiền bạc lẫn thời gian của bố mẹ. Vì vậy nếu có thai kỳ bình thường, mẹ chỉ cần thực hiện siêu âm theo đúng số lần bác sĩ chỉ định là đủ.

Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu

Siêu âm có ảnh hưởng tới thai nhi không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu

3. Mẹ bầu cần phải lưu ý gì khi đi siêu âm thai nhi?

Trước khi siêu âm thai nhi, mẹ bầu cần phải tham khảo trước bệnh viện và cơ sở siêu âm phù hợp nhất và thuận tiện với nơi ở hiện tại. Trước khi tiến hành siêu âm, các mẹ bầu không cần phải nhịn ăn nhưng nên uống đủ nước để bàng quang căng hơn nếu thai nhi dưới 10 tuần tuổi. Nhờ vậy, giúp hình ảnh thai nhi thu về được rõ và dễ quan sát nhất.

Ngoài phương pháp siêu âm, trong những trường hợp, các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu mẹ bầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết nhằm nắm rõ tình trạng sức khỏe của mẹ. Với những mẹ bầu mắc bệnh lý nền như bệnh về huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… số lần khám thai và siêu âm có thể sẽ nhiều hơn so với bình thường để phòng ngừa các biến chứng phức tạp có thể xảy ra suốt thai kỳ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con, mẹ bầu cũng phải lưu ý đến chế độ ăn uống và chăm sóc bản thân kỹ lưỡng. Theo đó, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết, luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng và vận động nhẹ nhàng để cả hai mẹ con đều khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Như vậy, bài viết này đã đưa ra giải đáp cho câu hỏi: “Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?” và một số điều mẹ cần biết về phương pháp siêu âm. Tóm lại, việc đi siêu âm là rất tốt nhưng mẹ bầu cũng phải tránh lạm dụng phương pháp này để không làm ảnh hưởng tới bản thân và em bé trong bụng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital