Mắc sỏi niệu quản kiêng ăn gì và nên ăn gì? – Góc giải đáp

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Nhiều người thắc mắc vì sao có sỏi niệu quản, sỏi niệu quản kiêng ăn gì và nên ăn gì.. Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết ở bài viết này.

1. Vì sao có sỏi ở niệu quản?

Sỏi kẹt niệu quản là ám ảnh kinh hoàng của những ai mắc sỏi tiết niệu. Vậy vì sao lại có sỏi ở niệu quản? Niệu quản là bộ phận hẹp, dài khoảng 25cm nối thận với bàng quang, càng xuống gần bàng quang càng thu hẹp. Sỏi được hình thành ở niệu quản phần lớn là do sỏi từ thận di chuyển xuống, kẹt lại ở niệu quản, gây đau đớn và nhiều biến chứng nặng nề. Cũng có trường hợp sỏi được hình thành tại niệu quản bởi những lý do như: Niệu quản bị tổn thương do các thủ thuật, phẫu thuật; niệu quản bị dị dạng bẩm sinh là yếu tố tạo cơ hội cho nước tiểu ứ đọng, lắng cặn tinh thể và tạo thành sỏi; canxi máu tăng khiến canxi niệu tăng và thúc đẩy hình thành sỏi…

Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:

  • Đoạn nối thận với niệu quản hay còn gọi là đoạn ⅓ trên
  • Đoạn nối niệu quản với bàng quang gọi là đoạn ⅓ dưới
  • Đoạn niệu quản nằm trước động mạch chậu gọi là đoạn ⅓ giữa

Sỏi có thể là 1 viên hoặc 1 ổ sỏi nhiều viên. Ban đầu, nếu được hình thành tại niệu quản thì không gây đau đớn hay có biến chứng rõ rệt. Chỉ khi nào sỏi lớn lên, di chuyển và cọ xát vào thành niêm mạc, đồng thời kích thước lớn làm tắc nghẽn đường niệu thì khi đó người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu, đi tiểu ra máu… Sỏi từ thận rơi xuống thì khác, người bệnh có thể thấy đau khi sỏi di chuyển, rồi cơn đau lại ngừng lại và tiếp tục mỗi khi sỏi cọ xát. Nếu sỏi quá to gây tắc nghẽn sẽ khiến nước tiểu không thể xuống bàng quang, tắc nghẽn, ứ nước và suy thận mạn tính, thậm chí là hỏng thận. Do đó, người bệnh tuyệt đối không chủ quan với sỏi niệu quản, cần thăm khám và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Đồng thời, cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ mới có thể mong ngăn chặn được sự phát triển của sỏi.

Sỏi niệu quản kiêng ăn gì và nên ăn gì

Minh họa sỏi kẹt niệu quản gây đau

2. Mắc sỏi niệu quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển và cả sự tái phát của sỏi niệu quản sau điều trị. Do đó, người mắc sỏi niệu quản, cả trước, trong và sau quá trình điều trị cần lưu ý những điều sau về chế độ ăn uống:

2.1. Người mắc sỏi niệu quản kiêng ăn gì

Người mắc sỏi niệu quản cần hạn chế các thực phẩm, gia vị sau:

– Muối: Sử dụng muối quá nhiều sẽ khiến nồng độ natri trong cơ thể tăng cao, sẽ thúc đẩy sự tích tụ canxi trong nước tiểu, lắng cặn và tạo thành sỏi. Do đó, các món ăn nên được chế biến nhạt hơn, không dùng thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng 1 thìa cà phê muối.

– Thịt, cá chứa nhiều đạm: Sử dụng quá nhiều chất đạm động vật có thể làm giảm nồng độ citrate – nguy cơ hình thành sỏi sẽ cao hơn. Mặt khác, các loại thịt đỏ, động vật có vỏ, nội tạng… cũng chứa nhiều purin – là một chất làm tăng acid uric trong nước tiểu, dẫn đến khó hòa tan khoáng chất và tạo thành sỏi. Do đó, nên hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều đạm động vật, mỗi ngày nên dùng tầm 150g thịt.

– Thực phẩm chứa nhiều chất oxalat: Bổ sung những chất này quá nhiều sẽ tăng khả năng hình thành sỏi canxi oxalat. Một số loại rau chứa nhiều oxalat như khoai lang, củ cải đường, đậu bắp, trà đặc… cần hạn chế sử dụng.

– Các loại nước ngọt, đồ ăn vặt, bánh kẹo: Sử dụng những thực phẩm này chứa những chất béo bão hòa, đường tinh chế… không tốt cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Bạn nên loại bỏ những thực phẩm này trong thực đơn hằng ngày, dù chỉ là bữa phụ.

– Chất kích thích: Đối với người khỏe mạnh, chất kích thích cũng để lại những hậu quả khôn lường. Đối với người mắc sỏi niệu quản, những chất như rượu, bia, cồn làm giảm chức năng thận, khiến cơ thể dễ mất nước. Nếu thận làm việc quá tải thời gian dài sẽ dễ tạo thành sỏi hơn.

Sỏi niệu quản kiêng ăn gì - kiêng muối

Người mắc sỏi niệu quản nên bớt muối và sử dụng chế độ ăn nhạt.

2.2 Người mắc sỏi niệu quản nên ăn gì?

Điều lưu ý đầu tiên trong chế độ ăn uống đối với bệnh nhân mắc sỏi niệu quản đó chính là phải bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nước giúp tăng bài tiết nước tiểu, có thể đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên nếu sỏi còn nhỏ. Bạn có thể bổ sung thêm các loại nước ép, vừa dễ uống, vừa ngon miệng lại tăng cường bổ sung nước và dưỡng chất tốt cho cơ thể.

– Thực phẩm màu xanh, trái cây tươi: Rau củ quả trái cây tươi giàu khoáng chất và vitamin, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột, khiến các cơ quan hoạt động tốt… hoạt động trao đổi chất được tiến hành thuận lợi, giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận.

– Bổ sung trái cây họ cam quýt: Những loại trái cây này chứa citrate giúp hòa tan các chất hình thành sỏi, giúp hạn chế sự hình thành và phát triển của sỏi thận, sỏi niệu quản.

3. Lưu ý khác cho người mắc sỏi niệu quản

Người mắc sỏi niệu quản cũng cần lưu ý đến việc bổ sung canxi, nên dùng canxi vừa đủ chứ không nên hạn chế hoàn toàn vì thừa hay thiếu canxi đều có thể gây ra sỏi thận, sỏi niệu quản. Người bệnh hãy bổ sung canxi qua các thực phẩm tự nhiên như sữa, rau xanh đậm, các loại hạt khác… thay vì dùng các thực phẩm chức năng.

Người bệnh cũng nên có chế độ vận động phù hợp kết hợp với chế độ ăn uống. Cần siêng tập thể dục, chạy bộ, đạp xe thư giãn… để quá trình trao đổi chất thuận lợi, các cơ quan hoạt động nhịp nhàng, hạn chế sự lắng cặn của những tinh thể trong nước tiểu. Đối với người mắc bệnh sỏi thận đã điều trị khỏi, cần lưu ý tái khám để kịp thời phát hiện nếu có sỏi tái phát.

Sỏi niệu quản kiêng ăn gì - và tập luyện

Mắc sỏi niệu quản cần kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện thể thao

Đối với người bệnh, chế độ ăn uống, mắc sỏi niệu quản kiêng ăn gì và nên ăn gì cần cực kỳ chú ý và tuân theo, tuyệt đối không lơi là, tránh nuôi sỏi to nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Lưu ý ngoài quan tâm đến chế độ ăn uống, khi phát hiện có sỏi niệu quản, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn điều trị cụ thể với bác sĩ chuyên khoa. Hiện tại có nhiều phương pháp tán sỏi công nghệ cao giúp làm sạch sỏi niệu quản nhanh chóng, ít đau, ít gây xâm lấn và không phải nằm viện lâu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital