Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như ứ nước tại thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận cấp tính, mạn tính. Việc loại bỏ sỏi hiện nay ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ những phương pháp tán sỏi hiện đại, ít xâm lấn mà hiệu quả lại cao. Tuy nhiên vẫn có trường hợp người bệnh cần mổ lấy sỏi. Vậy sỏi niệu quản bao nhiêu thì phải mổ? Giải đáp cho câu hỏi này, bạn cần biết mổ mở thường sẽ là phương pháp cuối cùng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, sỏi to lên gây khó khăn trong điều trị, hoặc đã có biến chứng bệnh
Menu xem nhanh:
1. Sỏi niệu quản là gì?
Sỏi niệu quản là tình trạng sỏi đa số được gây ra bởi sỏi ở thận rơi xuống niệu quản là không được đào thải ra ngoài bằng đường nước tiểu. Sỏi nằm trong niệu quản sẽ gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Khi tích tụ đủ lớn sẽ gây ra nhiều triệu chứng điển hình như đau quặn thắt ở vùng thắt lưng, lan dần xuống bẹn, tiểu buốt, tiểu rắt…
2. Sỏi niệu quản – phương pháp mổ mở truyền thống
Hiện nay các phương pháp tán sỏi công nghệ cao, hiện đại như: tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể đang được phổ biến bởi ít xâm lấn, an toàn, bình phục nhanh, đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên có những trường hợp bệnh nhân mắc sỏi niệu quản bắt buộc phải mổ. Vậy khi nào cần mổ mổ lấy sỏi, kích thước sỏi như thế nào thì cần mổ mở? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời cho những thắc mắc về mổ sỏi niệu quản phía trên.
2.1 Kích thước sỏi niệu quản bao nhiêu thì phải mổ
Việc sử dụng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao thường sẽ là ưu tiên của các bác sĩ cho bệnh nhân sỏi niệu quản. Tuy nhiên trên thực tế, còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ quyết định sử dụng điều trị ngoại khoa bằng hình thức ít xâm lấn hay phương pháp mổ mở truyền thống.
Trường hợp sỏi còn nhỏ, chưa gây ra biến chứng, chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng thận:
– Bệnh nhân sẽ được chỉ điều trị nội khoa để sỏi có thể ra ngoài bằng đường nước tiểu
– Khi sỏi không thể ra theo đường tiểu: các bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng công nghệ tán sỏi qua da, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể.
Trường hợp sỏi quá to và đã bắt đầu có biến chứng: sẽ tiến hành mổ mở để khơi thông tắc nghẽn, gắp toàn bộ sỏi ra ngoài, ngăn chặn, tránh để diễn biến xấu hơn nữa. Cụ thể:
– Kích thước sỏi niệu quản từ 10-20mm kết hợp biểu hiện thận ứ nước hoặc có nhiễm trùng hay phát sinh biến chứng, lúc này bệnh nhân cần điều trị nhanh chóng bằng phẫu thuật.
– Kích thước sỏi lên đến > 20mm, xuất hiện tình trạng thận ứ nước hoặc nhiễm trùng hay biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để lấy hết sỏi trong một lần, tránh để lâu sẽ phải cắt bỏ thận.
– Kích thước sỏi từ 30-40mm, lúc này sỏi đã rất lớn, chèn ép nhiều, việc tán sỏi có thể sẽ khó khăn. Bệnh nhân cũng không nên tiếp tục để lâu trong cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến thận, và hệ bài tiết rất nhiều. Do đó sẽ áp dụng phương pháp mổ mở truyền thống để nhanh chóng lấy viên sỏi lớn ra ngoài cơ thể.
2.2 Chỉ định đối tượng mổ mở lấy sỏi niệu quản
Phẫu thuật mở lấy sỏi niệu quản thường được chỉ định cho các đối tượng sau đây:
– Bệnh nhân mắc sỏi thận phức tạp như: sỏi bán san hô, sỏi san hô.
– Bệnh nhân mắc sỏi niệu quản kèm với biến chứng nặng nề như: suy thận, nhiễm khuẩn niệu, thận ứ niệu.
– Người mắc bệnh sỏi tiết niệu kèm dị dạng hệ tiết niệu như: túi thừa niệu quản, túi thừa bàng quang, hẹp khúc nối bể thận, bàng quang.
Vậy sỏi niệu quản bao nhiêu thì phải mổ phụ thuộc vào kích thước sỏi, loại sỏi, tình trạng của bệnh nhân, các biến chứng đang có, không đáp ứng được các loại điều trị khác.
2.3 Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra
Trái lại với các biện pháp không can thiệp xâm lấn hoặc xâm lấn ít thì mổ mở sẽ mất nhiều thời gian để nằm viện thường sẽ từ 7 – 10 ngày và khả năng phục hồi lâu hơn vì vết mổ lớn hơn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà ít nhất 1 tuần, hoạt động nhẹ nhàng, không nên đi lại nhiều hay hoạt động mạnh để tránh ảnh hưởng tới vết mổ.
Một số biến chứng có thể xảy ra trong khi mổ:
– Bệnh nhân có thể chảy máu do tổn thương mạch thận, mạch chủ, mạch sinh dục, nhu mô thận cần khâu cầm máu trong quá trình mổ mở.
– Hoặc có thể bị rách phúc mạc, tổn thương tạng khác như ruột non, đại tràng
Một số biến chứng có thể xảy ra sau quá trình mổ sỏi:
– Chảy máu sau mổ nhiều: Bệnh nhân sẽ phải mổ lại để kiểm tra và cầm máu.
– Tụ dịch hoặc áp xe tồn dư: Nếu khối dịch nhỏ<5cm có thể dẫn lưu dưới hình thức siêu âm. Nếu ổ dịch to thì cần phải mổ lại để làm sạch và dẫn lưu.
– Rò nước tiểu: Nếu tắc nước tiểu hoặc gập sonde niệu quản thì cần đặt lại, nếu không hết sẽ phẫu thuật lại xử lý rò.
3. Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản công nghệ cao
Đối với các bệnh nhân không được chỉ định mổ, bạn có thể tham khảo các phương pháp tán sỏi công nghệ cao để phần nào yên tâm hơn. Bởi đây là các kỹ thuật tân tiến, mở ra cơ hội điều trị sạch sỏi hiệu quả cho bệnh nhân mà không cần mổ, không phải lo lắng về đau, không cần nằm viện lâu.
3.1 Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Là phương pháp điều trị ngoại khoa với mức độ xâm lấn rất nhỏ. Vết rạch da chỉ khoảng 0.5 – 1 cm tại vùng lưng hoặc thắt lưng. Thông qua vết rạch bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ vào thận, sau đó sẽ đưa máy nội soi qua con đường này, đồng thời nội soi niệu đạo để phát hiện sỏi. Sau đó sẽ sử dụng nguồn năng lượng laser tán vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ và được hút ra qua đường hầm. Cuối cùng sẽ đặt ống dẫn từ thận xuống bàng quang để quá trình lưu thông dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra và rút ra sau 24-48 giờ.
Phương pháp tán sỏi này thường áp dụng cho sỏi niệu quản nằm ở vị trí ⅓ trên và kích thước >1.5cm. Đây là phương pháp hiện đại nhất trong phẫu thuật nội soi hiện nay, chiếm ưu thế hơn phẫu thuật truyền thống.
Người bệnh sử dụng phương pháp này hầu như không có sẹo, ít chảy máu, hạn chế nhiễm trùng, tỷ lệ sạch sỏi cao lên đến 100%. Ngoài ra mức độ ảnh hưởng đến chức năng thận cũng rất thấp, hầu như là không có, do vậy bệnh nhân cũng sẽ nhanh chóng ra viện chỉ sau 3-4 ngày sau phẫu thuật.
Tuy nhiên bệnh nhân cần lưu ý cần lựa chọn bệnh viện uy tín để thực hiện tán sỏi niệu quản qua da để tránh những nguy cơ chảy máu, nhiễm khuẩn bởi bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc trang thiết bị y tế không đủ điều kiện.
3.2 Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không xâm lấn
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ sử dụng máy tán sỏi năng lượng xung kích, điều chỉnh sao cho chiếu hội tụ vào vị trí sỏi. Các tia sóng này tác động xuyên qua da, truyền qua môi trường nước và làm vỡ vụn sỏi. Vụn sỏi niệu quản sẽ được đưa ra ngoài theo đường nước tiểu.
Do đó người bệnh cần đảm bảo uống đủ nước theo chỉ dẫn của bác sĩ để đào thải nhanh chóng.
Tán sỏi ngoài cơ thể thường được chỉ định cho sỏi niệu quản ở vị trí ⅓ trên sát bể thận và kích thước < 1cm. Đối với kích thước lớn hơn và cứng hơn sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình tán nhỏ, người bệnh có thể phải tán 2 đến 3 lần.
Lợi ích của kỹ thuật này là bạn hoàn toàn không cần nằm viện, không có bất kỳ xâm lấn đến cơ thể, không chảy máu, không gây tổn thương chức năng thận, không nhiễm trùng.
3.3 Tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser
Là phương pháp nội soi bằng ống mềm hoặc bán cứng, người bệnh sẽ không cần mổ mà sẽ được nội soi qua đường tự nhiên. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi kèm theo đầu laser đưa vào niệu đạo đến bàng quang, lên niệu quản. Sỏi khi được phát hiện sẽ được phá vỡ nhỏ bằng năng lượng laser và gắp ra ngoài.
Nội soi niệu quản tán sỏi ngược dòng thường áp dụng cho vị trí sỏi niệu quản ⅓ giữa và ⅓ dưới. Với nhiều ưu điểm như không có vết mổ, thời gian nằm viện chỉ 1-2 ngày, sạch sỏi lên đến 90%. Nhược điểm có thể dẫn đến thủng niệu quản do đốt laser nhầm vị trí (trường hợp này rất ít gặp).
Như vậy điều trị sỏi niệu quản hay sỏi tiết niệu nói chung hiện nay chủ yếu sử dụng kỹ thuật tán sỏi công nghệ cao vừa mang lại hiệu quả và có nhiều ưu điểm vượt trội cho sức khỏe. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được điều trị, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp truyền thống – phẫu thuật mổ mở lấy sỏi để giảm tối đa biến chứng của sỏi tích tụ lâu ngày gây ra.