Chào bạn, với câu hỏi răng sau khi chữa tủy sẽ tồn tại được trong bao lâu, bác sĩ sẽ trả lời bạn như sau:
Răng sau khi chữa tủy sẽ có rất nhiều thay đổi, không còn chắc khỏe như ban đầu vì răng chỉ còn lại men răng và ngà răng, phần ngà răng sẽ không được liên tục tái tạo, lâu ngày sẽ dẫn đến một số hiện tượng như:
- Độ bền chắc của răng giảm dần: nguồn nuôi dưỡng chủ yếu cho răng là tủy đã bị lấy hết nên độ bền chắc của răng sẽ giảm dần theo thời gian.
- Răng trở nên giòn và dễ vỡ: khi tủy răng không còn, ngà răng và men răng mất hẳn đi độ bền và sức dẻo dai, đàn hồi. Tủy răng giúp răng cảm nhận được nhiệt độ và lực tác động nhờ thế mới có những tương tác thích nghi tránh được tình trạng mẻ, vỡ bất thường. Khi tủy răng mất đi, khả năng cảm nhận này sẽ không còn, răng sẽ không thích nghi được với tác động nhiệt và ngoại lực, vì thế mà răng dễ bị vỡ dọc hoặc gãy ngang thân răng. Mặt khác, răng sau khi chữa tủy thường có miếng trám lớn, sự bám dính của miếng trám với các mặt của răng đôi khi không tốt khiến răng không thể vững thành một khối để hàng ngày chống lại tác động liên tục của lực nhai.
- Sức nhai của răng giảm: răng không còn bền chắc và không có tủy răng nên không cảm nhận được thức ăn, vì thế, răng không chỉ có độ chịu lực kém mà còn không nhận biết được tính chất của thức ăn để tạo lực nhai phù hợp. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến cho răng dễ vỡ. Vì không cảm nhận được thức ăn nên răng không tạo được lực phù hợp khiến răng bị vỡ khi gặp thức ăn quá cứng hoặc quá dai.
- Răng sẽ bị mòn sau khi lấy tủy: tủy có vai trò tạo ngà răng liên tục để bồi đắp lại những tổn thương của răng do ăn nhai. Sau khi lấy tủy, ngà răng không còn được bồi đắp liên tục nữa nên theo thời gian, răng sẽ bị bị mòn dần.
- Miếng trám trên răng lấy tủy lâu ngày sẽ bị bong tróc ra sẽ khiến cho các vi khuẩn tấn công, tạo ổ dịch làm hư tổn răng hoàn toàn, khiến bạn phải đi chữa răng lại lần nữa, đôi khi vi khuẩn sẽ tấn công lan sang những răng khỏe mạnh còn lại.
- Răng sau khi chữa tủy có thể vẫn bị sâu do thức ăn và cặn bẩn giắt vào những lỗ trên mặt răng hay ở những chỗ khó làm sạc. Ngoài gây sâu răng, thức ăn phân hủy còn gây mùi hôi, cao răng và các bệnh lý răng miệng liên quan.
- Do răng không còn cảm giác nên nhiều khi lỗ sâu to hay răng bị vỡ, mẻ mà bạn không để ý đến. Điều này rất nguy hiểm vì có thể răng phải nhổ bỏ do mất quá nhiều tổ chức.
Nếu răng đã lấy tủy không được bảo vệ ngay sau khi chữa tủy thì răng sẽ không đảm bảo được chức năng ăn nhai và sẽ không tồn tại lâu được lâu trong miệng.
Mong rằng câu trả lời của tôi đã giải đáp được thắc mắc của bạn An. Nếu còn câu hỏi gì, bạn vui lòng đặt câu hỏi tại phần Hỏi đáp chuyên gia để nhận được câu trả lời nhanh nhất và chính xác nhất từ các bác sĩ của Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc nhé.