Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở trẻ em. Bệnh dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vậy đâu là những dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ em? Bố mẹ cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh quai bị là bệnh như thế nào?
Quai bị là bệnh do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra, thông qua việc xâm nhập vào tuyến nước bọt mang tai. Đây là bệnh khá phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt thường gặp ở trẻ từ 6 – 10 tuổi. Bệnh rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi làm phát tán nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi ra bên ngoài.
Quai bị thường bùng phát vào thời điểm thu – đông và lây lan nhanh chóng ở các khu vực tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, công viên, …
Phần lớn trẻ mắc bệnh quai bị đều là lành tính, và có thể tự khỏi trong khoảng từ 1- 2 tuần. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp bệnh tiến triển dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là các biến chứng liên quan tới cơ quan sinh dục của bé trai, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau. Cũng bởi vậy, bố mẹ cần nhận biết được các dấu hiệu của bệnh quai bị để có thể điều trị kịp thời cho con.
2. Dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ ra sao?
Nghiên cứu cho thấy, bệnh quai bị ở trẻ em diễn biến theo 4 giai đoạn chính: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Mỗi giai đoạn biểu hiện của bệnh lại có sự khác nhau, trong đó giai đoạn ủ bệnh thường rất khó nhận biết vì các triệu chứng chưa rõ ràng.
2.1. Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh của bệnh quai bị thường kéo dài từ 17-18 ngày. Ở giai đoạn này, hầu như người bệnh không có nhiều triệu chứng biểu hiện, cũng bởi vậy việc lây lan bệnh trong giai đoạn này là rất cao do không có các biên pháp phòng ngừa khi tiếp xúc.
2.2. Dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ em giai đoạn khởi phát
Trước khi bệnh khởi phát 1-2 ngày, trẻ có thể sẽ cảm thấy khó chịu ở trong người. Sau đó, trẻ sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:
– Sốt cao trên 38 độ C kèm ớn lạnh, sợ gió
– Đau đầu, nhức tai
– Chán ăn, ngủ kém
– Toàn thân mệt mỏi, suy nhược cơ thể (có thể kèm đau nhức xương khớp)
2.3. Dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ giai đoạn toàn phát
Sau giai đoạn khởi phát khoảng 1-2 ngày, bệnh quai bị sẽ bước vào giai đoạn toàn phát với triệu chứng đặc trưng nhất là viêm sưng tuyến mang tai:
– Thực tế cho thấy, trẻ thường bị sưng cả 2 bên tuyến mang tai, rất ít trường hợp chỉ sưng một bên. Tỷ lệ sưng 2 bên so với sưng 1 bên là 6/1. Trong đó, một bên sẽ bị sưng trước, bên còn lại bị sưng sau đó khoảng 1-2 ngày
– Hai bên bị sưng thường không đối xứng, một bên thường sưng to hơn.
– Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng bóng, sờ vào thấy nóng nhưng không đỏ, khi ấn vùng sưng không gây lõm nhưng trẻ vẫn có thể thấy đau.
– Tuyến mang tai sưng to sẽ có thể làm mất rãnh trước và sau tai gây biến dạng mặt của trẻ. Lúc này mẹ sẽ thấy mặt trẻ bị phình to, cằm xệ xuống và cổ bành ra.
– Khi trẻ há miệng, nhai nuốt thức ăn, trẻ sẽ cảm thấy đau hàm. Cảm giác đau có thể lan rộng đến tai. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị viêm đỏ họng và sưng hạch ở góc hàm. Tất cả những điều này khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không muốn ăn uống, dẫn đến suy nhược cơ thể.
2.4. Giai đoạn bệnh thoái lui
Khi mắc quai bị, nếu trẻ được chăm sóc và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có thể khỏi bệnh trong khoảng 10 ngày. Trong thời gian này, tuyến mang tai sẽ giảm sưng, nhỏ dần và giảm đau. Các triệu chứng khác của bệnh cũng giảm dần rồi hết.
Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh sẽ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn ở bé trai, viêm buồng trứng ở bé gái, điếc tai, viêm màng não, nhồi máu phổi, viêm cơ tim, vv… Cũng bởi vậy, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ em như đã kể trên, kết hợp thường xuyên theo dõi sức khỏe của con để phát hiện sớm bệnh, qua đó đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời.
3. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc quai bị
Khi trẻ mắc quai bị, bên cạnh việc điều trị cho trẻ bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần có chế độ chăm sóc phù hợp cho trẻ. Cụ thể là:
– Hạn chế cho trẻ ăn gạo nếp, thịt gà hoặc các thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, cay nóng vì nó có thể khiến bệnh của trẻ trầm trọng hơn
– Chế biến các món ăn dễ nuốt như cháo, súp, … để đảm bảo con vẫn có thể ăn uống và nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể
– Cho trẻ uống thêm nhiều nước để bù lượng nước đã mất trong cơ thể. Mẹ cũng có thể bổ sung thêm sữa hoặc nước ép trái cây cho trẻ, nhưng lưu ý không sử dụng các loại quả có tính axit cao, vì các loại quả này sẽ khiến trẻ tiết nước bọt nhiều hơn và cảm thấy đau hơn
– Chườm mát các vùng sưng, đau cho trẻ
– Không tự ý bôi, đắp các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ cho trẻ
– Không tắm nước lạnh cho bé vì đây là yếu tố nguy cơ có thể khiến cho vị trí sưng bị sưng to và đau hơn
– Súc miệng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý
– Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng của trẻ, không cho trẻ dùng chung đồ với người khác để tránh lây nhiễm bệnh
– Hạn chế trẻ nô đùa, chạy nhảy vì điều này sẽ có thể làm tăng nguy cơ viêm tinh hoàn (đối với bé trai)
– Trong trường hợp trẻ bị viêm tinh hoàn, để giảm đau cho con, mẹ nên cho con mặc quần lót nâng tinh hoàn hoặc cho trẻ nằm thẳng để nâng tinh hoàn
Khi thấy các triệu chứng bệnh ở trẻ không thuyên giảm mà có dấu hiệu trầm trọng hơn, xuất hiện thêm các biểu hiện bất thường như: co giật, nôn liên tục, cứng cổ, rối loạn ý thức,…, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho con.