Chỉ số mỡ máu bình thường và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Chỉ số mỡ máu là những thông số phản ánh về lượng mỡ trong máu ở mỗi người, giúp bác sĩ đánh giá đúng về tình trạng bệnh. Vậy chỉ số mỡ máu bình thường là bao nhiêu và tìm hiểu những lưu ý phòng ngừa bệnh mỡ máu cần quan tâm.

Menu xem nhanh:

1. Chỉ số mỡ máu bình thường là bao nhiêu?

Để xác định đúng về mức độ mỡ máu, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm gồm có chỉ số mỡ máu toàn phần, chỉ số cholesterol xấu và chỉ số triglyceride. Các chỉ số được cho là bình thường sẽ ở mức sau:

Về chỉ số mỡ máu toàn phần:

– Ở người bình thường: chỉ số này sẽ ở mức 3.9 – 5,2 mmol/L

– Chỉ số cần chú ý: cao hơn 5,2 mmol/L

Về chỉ số LDL (chỉ số cholesterol xấu):

– Ở người bình thường: chỉ số này sẽ ở mức <= 3.4 mmol/L

– Chỉ số cần chú ý: cao hơn 3.4 mmol/L

Về chỉ số triglyceride:

– Ở người bình thường: chỉ số này sẽ ở mức 0.46 – 1.88 mmol/L

– Chỉ số cần chú ý: chỉ số này sẽ cao hơn 1.88 mmol/L

Với những trường hợp nằm trong nhóm chỉ số cần chú ý, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ mỡ máu và chỉ định phương án xử lý phù hợp.

Chỉ số mỡ máu bình thường là bao nhiêu?

Người bệnh làm xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số đánh giá mỡ máu.

2. Mỡ máu cao khi nào cần thực hiện điều trị?

Thực tế là không phải trường hợp có chỉ số mỡ máu cao nào cũng bắt buộc phải thực hiện điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét về mức độ mỡ máu, tình trạng sức khỏe của người bệnh để đưa ra lời khuyên hoặc chỉ định điều trị cụ thể.

Thông thường, với những trường hợp mỡ máu gặp phải ở người trẻ tuổi và không có các yếu tố nguy cơ khác, người bệnh sẽ thực hiện điều chỉnh lại chế độ ăn uống cùng lối sống hằng ngày để cải thiện tình trạng mỡ máu, bao gồm:

– Cần tăng cường vận động.

– Cần hạn chế dung nạp đồ ăn nhiều chất béo bão hòa, nhất là mỡ động vật, đồ chiên rán, trà sữa.

– Cần giảm cholesterol trong các thực phẩm như lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, bơ, tôm…

– Cần ăn nhiều rau xanh và nhóm các trái cây tươi để bổ sung tăng cường chất xơ, vitamin, khoáng chất.

– Duy trì cơ thể cân đối, không để bị thừa cân béo phì.

– Không hút thuốc lá.

– Hạn chế uống rượu bia.

Nếu sau khi đã thay đổi lối sống lành mạnh (khoảng 2-3 tháng) mà kiểm tra thấy chỉ số mỡ máu không giảm hoặc vẫn tăng cao thì bác sĩ sẽ chuyển hướng đề nghị điều trị bằng thuốc. Loại thuốc và liều lượng sẽ được bác sĩ kê đơn dựa theo tình trạng cũng như mức độ mỡ máu của từng người. Đặc biệt, những người có bệnh nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, huyết áp cao,.. cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ.

Khi nào cần điều trị mỡ máu

Tùy thuộc vào mức độ mỡ máu, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp.

3. Những cách giúp duy trì chỉ số mỡ máu ở mức bình thường

Chế độ ăn uống lành mạnh chính là chìa khóa giúp duy trì chỉ số mỡ máu ở ngưỡng bình thường. Theo đó, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

3.1. Giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày

Đối với những người thừa cân béo phì, cần phải giảm năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày từ từ, khoảng 30 kcal mỗi tuần cho đến khi BMI về mức bình thường. Lưu ý, tuyệt đối nói không với việc giảm cân bằng các loại dược phẩm, thuốc Nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…

3.2. Giảm chất béo, giảm lượng cholesterol giúp duy trì chỉ số mỡ máu bình thường

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng chất béo chỉ nên chiếm khoảng 15-20%, nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật. Hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa nhiều chất béo như đồ ăn chiên rán, bơ, sữa, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt,…

Lưu ý phòng ngừa mỡ máu hiệu quả

Loại bỏ các món ăn nhiều dầu mỡ trong thực đơn hằng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh mỡ máu hiệu quả.

3.3. Tăng lượng protein

Các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, thịt lợn thăn, cá và đậu là những thực phẩm chứa nhiều protein nên ăn. Các loại sản phẩm từ đậu nành chứa nhiều estrogen hoặc isoflavone làm giảm đáng kể cholesterol cũng là thực phẩm nên tăng cường vào cho bữa ăn hàng ngày để phòng ngừa mỡ máu cao.

3.4. Tăng axit béo chưa bão hòa

Chất béo bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa. Trong đó, chế độ ăn sử dụng các chất béo chưa bão hòa đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm cholesterol xấu. Các loại axit béo tốt cho cơ thể như omega-3, omega-6 có nhiều trong cá (cá hồi, cá thu, cá ngừ,..) và các loại hạt. Ngoài ra, dầu thực vật cũng là lựa chọn tốt có tác dụng tích cực trong việc giảm cholesterol và phòng ngừa các bệnh tim mạch, bệnh huyết áp.

3.5. Tăng cường chất xơ giúp duy trì chỉ số mỡ máu bình thường

Trong thực đơn phòng ngừa mỡ máu cao không thể thiếu các loại rau quả chứa nhiều chất xơ bởi chất xơ có công dụng loại bỏ cholesterol và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nên phối hợp nhiều loại rau củ quả trong bữa ăn hàng ngày để làm giảm cholesterol trong máu.

Bên cạnh chế độ ăn khoa học, bạn cũng cần chăm chỉ vận động, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để duy trì chỉ số mỡ máu bình thường cũng như giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, phòng ngừa tốt các bệnh lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital