Chỉ số CEA trong máu là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh? Đây là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về chỉ số CEA trong máu
1.1. Chỉ số CEA trong máu là gì?
CEA là một protein được tìm thấy trong các mô phôi thai phát triển trong tử cung, nồng độ trong máu của protein này biến mất hoặc giảm xuống rất thấp sau khi sinh. Ở người lớn, chỉ số CEA bình thường ở trong máu rất thấp (< 4 ng/mL ). Khi chỉ số CEA tăng lên, nó có thể cảnh báo dấu hiệu ung thư. Tuy nhiên, trong điều kiện lành tính cũng có thể có sự gia tăng CEA trong máu.
Xét nghiệm CEA là một xét nghiệm để theo dõi sự tái phát của ung thư đại tràng và các ung thư khác ở những người đã được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư cũng như theo dõi tái phát sau điều trị. Đây không phải là xét nghiệm để tầm soát hay sàng lọc ung thư.
1.2. Xét nghiệm CEA được sử dụng như thế nào?
CEA được sử dụng chủ yếu để theo dõi điều trị bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt là những người có ung thư đại tràng. Sau khi phẫu thuật, xét nghiệm CEA có giá trị trong việc theo dõi đáp ứng với điều trị và xác định bệnh đã tái phát.
CEA cũng được sử dụng như là một chỉ điểm đánh dấu cho các loại bệnh ung thư khác, bao gồm cả ung thư trực tràng, vú, phổi, gan, tuyến tụy, dạ dày, và buồng trứng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại ung thư đều sản xuất CEA, kết quả xét nghiệm CEA cao không phải lúc nào cũng do ung thư. Do đó, CEA không được sử dụng để sàng lọc ung thư.
1.3. Khi nào được chỉ định làm xét nghiệm này?
Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi bạn có các triệu chứng cho thấy bạn có khả năng bị ung thư đại tràng, hoặc những bệnh nhân đã được chẩn đoán bị một trong số các loại ung thư khác. Chỉ số CEA trong máu cũng được đo trước và sau khi điều trị, để đánh giá sự thành công của điều trị.
2. Ý nghĩa của chỉ số CEA
Khi bệnh nhân có khối u nhỏ và ở giai đoạn đầu, chỉ số CEA lần đầu có khả năng bình thường hoặc hơi cao. Bệnh nhân có khối u lớn hơn hoặc khối u đã di căn khắp cơ thể ,có nhiều khả năng chỉ số CEA tăng cao.
Khi chỉ số CEA trong máu giảm sau khi điều trị, có nghĩa là hầu hết hoặc tất cả các khối u sản xuất CEA đã được cắt bỏ. Chỉ số CEA gia tăng đều đặn thường là dấu hiệu đầu tiên của khối u tái phát.
Chỉ số CEA tăng có thể do một số điều kiện không liên quan đến ung thư, chẳng hạn như viêm nhiễm, xơ gan, loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, polyp trực tràng, bệnh vú lành tính.
Vì không phải tất cả các loại ung thư đều sản xuất CEA, nên bệnh nhân có thể có bệnh ung thư nhưng mức độ CEA vẫn bình thường.
- Tùy vào chỉ số CEA trong máu mà các bác sĩ sẽ chẩn đoán được mức độ thuyên giảm hay tái phát của bệnh ung thư
3. Một số lưu ý về chỉ số CEA trong máu
Chỉ số CEA giới hạn từ 0 – 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L), giới hạn bình thường có thể thay đổi giữa các lần xét nghiệm khác nhau. Ở người hút thuốc, chỉ số CEA tăng có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L. Chỉ số CEA cao ở một người đã được điều trị ung thư trước đó một thời gian ngắn thì có nghĩa là ung thư đã tái phát.
Cao hơn mức bình thường có thể là do các ung thư như: ung thư vú, ung thư hệ sinh dục và tiết niệu, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến giáp.
Ngoài ra, chỉ số CEA cũng tăng trong một số nguyên nhân khác như: viêm túi mật, xơ gan và bệnh gan khác, viêm túi thừa, nghiện thuốc lá, bệnh lý viêm nhiễm ở ruột như viêm loét đại tràng, viêm phổi, viêm tụy, loét dạ dày.
Người bệnh cần tiến hành các xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra chỉ số CEA trong máu, kịp thời xử trí nếu bệnh tái phát hoặc có chuyển biến xấu ảnh hưởng tới sức khỏe.