Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính: Dấu hiệu và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, sưng đỏ, trợt lở, trầy xước vì một nguyên nhân nào đó. Hầu hết tổn thương gây ra do bệnh lý này thường nông trên bề mặt dạ dày. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lại khởi phát đột ngột và dữ dội. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để tiến hành điều trị kịp thời là rất quan trọng.

1. Nguyên nhân nào gây bệnh viêm loét dạ dày cấp tính?

Yếu tố thuận lợi dẫn đến các vết viêm loét dạ dày cấp tính chính là lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị suy yếu, tổn thương, đồng thời dư thừa axit dịch vị. Sau đây là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày cấp:

1.1. Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh

Nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày cấp là thói quen ăn uống thiếu khoa học. Cụ thể, việc ăn uống không điều độ, không đảm bảo vệ sinh, lạm dụng rượu bia… sẽ khiến lớp màng bảo vệ dạ dày bị kích ứng hoặc bào mòn. Hậu quả là niêm mạc dạ dày dễ bị tấn công bởi axit dịch vị gây viêm loét.

Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính là gì?

Viêm loét dạ dày cấp phản ánh tình trạng viêm cấp tính của lớp niêm mạc dạ dày, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau

1.2. Các loại vi khuẩn, virus

Viêm loét dạ dày cấp có thể bắt nguồn từ việc nhiễm các loại vi khuẩn, virus như:

– Các loại vi khuẩn: Helicobacter Pylori (HP), Clostridium septicum, liên cầu khuẩn tan huyết alpha,…

– Các loại virus: Herpes, Cytomegalovirus (CMV),…

1.3. Tuổi cao tăng nguy cơ bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Sự tăng dần của tuổi tác kéo theo tình trạng suy yếu của lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Do đó nguy cơ viêm loét dạ dày cấp tính ở người cao tuổi sẽ có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, người cao tuổi dễ bị vi khuẩn HP tấn công gây bệnh dạ dày hơn so với người trẻ.

1.4. Tác dụng phụ của thuốc

Viêm loét dạ dày cấp có thể bắt nguồn từ việc sử dụng các loại thuốc kích ứng niêm mạc dạ dày như: corticoid, thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs),…

1.5. Yếu tố tinh thần

Lo lắng, căng thẳng quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày cấp. Đặc biệt, nguy cơ tăng cao ở những người bệnh bị chấn thương, bỏng, nhiễm trùng nặng, thực hiện phẫu thuật lớn.

1.6. Yếu tố tự miễn

Khi cơ thể tự sản sinh ra các chất chống lại tế bào bảo vệ niêm mạc dạ dày, tình trạng viêm loét dạ dày cấp do tự miễn sẽ xảy ra. Bệnh thường gặp ở những người đã mắc bệnh tự miễn khác, đái tháo đường tuýp 1, bệnh Hashimoto hoặc bị thiếu hụt vitamin B12.

1.7. Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, viêm loét dạ dày cấp tính còn có thể liên quan đến các nguyên nhân hiếm gặp gồm: trào ngược dịch mật, thiếu máu cục bộ dạ dày, tiếp xúc tia xạ, suy gan, suy thận,…

Ngoài ra, viêm loét dạ dày cấp còn có thể xuất hiện đồng thời với các bệnh cảnh khác như: bệnh Crohn, nhiễm ký sinh trùng hoặc HIV/AIDS.

2. Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày cấp tính là gì?

Các triệu chứng viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát đột ngột. Các triệu chứng thường rầm rộ trong 3 – 4 ngày đầu và sẽ giảm dần trong 1 – 2 tuần tiếp theo. Đa số trường hợp khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tháng. Niêm mạc dạ dày chỉ có những tổn thương nông ở giai đoạn đầu, mức độ nhẹ, không gây nguy hiểm.

Các dấu hiệu điển hình nhất của bệnh là đau dữ dội vùng thượng vị, nóng rát thượng vị có thể lan lên cổ họng, buồn nôn, nôn ói,… Các triệu chứng này có thể biến mất nhanh chóng nếu được kiểm soát đúng cách. Ngược lại, việc điều trị không kịp thời và không phù hợp sẽ khiến các tổn thương dạ dày trở nên nghiêm trọng và tăng nguy cơ biến chứng.

2.1. Đau thượng vị dữ dội

Một trong những triệu chứng đầu tiên của viêm loét dạ dày cấp tính là đau dữ dội vùng thượng vị (vùng bụng giữa nằm trên rốn). Các cơn đau này có tính chất như sau:

– Đau dữ dội kèm cảm giác nóng rát, cồn cào. Một số người bệnh chỉ có cảm giác đau âm ỉ ở thượng vị kèm rát bỏng, thỉnh thoảng có cơn đau quặn lên.

– Cơn đau xuất hiện sau khi ăn, lý do và vì thức ăn tác động lên các vết viêm loét niêm mạc.

– Cơn đau có thể xuất hiện 2 – 3 tiếng sau khi ăn, đau lúc đói bụng, vào nửa đêm – gần sáng khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi.

– Người bệnh có thể gặp tình trạng tức ngực, đau lan ra sau lưng.

Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Đau dữ dội vùng thượng vị là một trong những triệu chứng điển hình nhất của viêm loét dạ dày cấp tính

2.2. Buồn nôn và nôn là dấu hiệu bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Tình trạng buồn nôn và nôn ói nhiều cũng là triệu chứng thường gặp của viêm loét dạ dày cấp. Người bệnh thường nôn ngay sau bữa ăn, nôn hết thức ăn và kèm triệu chứng đau bụng. Tình trạng đau bụng sẽ giảm dần sau khi nôn nhưng một lúc sau sẽ quay trở lại.

Việc nôn ói dẫn đến nguy cơ mất nước và các chất điện giải, khiến người bệnh mệt mỏi, nhợt nhạt và sụt cân. Bên cạnh buồn nôn và nôn ói, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác như: ợ hơi, ợ chua, chán ăn, trướng bụng, đầy hơi, tiêu lỏng, trung tiện nhiều.

2.3. Xuất huyết dạ dày

Viêm loét dạ dày cấp có thể gây chảy máu trên niêm mạc dạ dày. Đây là tình trạng nguy hiểm với các biểu hiện gồm: nôn ra máu đỏ tươi, đau bụng nghiêm trọng vùng thượng vị, đi ngoài phân đen. Khi phát hiện các dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.

3. Giải pháp điều trị bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

3.1. Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp viêm loét dạ dày cấp liên quan đến sử dụng các thuốc NSAID hoặc lạm dụng đồ uống có cồn, việc ngưng sử dụng những chất này có thể làm thuyên giảm tình trạng bệnh. Các trường hợp viêm loét dạ dày cấp tính do vi khuẩn HP cần được điều trị bằng kháng sinh theo đúng phác đồ của bác sĩ.

Bên cạnh tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh còn cần tuân thủ chế độ ăn uống – sinh hoạt khoa học, lành mạnh, hạn chế tối đa căng thẳng, lo âu.

Điều trị bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định điều trị – theo dõi của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa

3.2. Các loại thuốc điều trị viêm dạ dày cấp tính

Để điều trị viêm loét dạ dày cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bao gồm:

– Các thuốc kháng axit dạng lỏng hoặc viên: Chúng có tác dụng trung hòa axit dư thừa trong dạ dày, giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng ở mức độ nhẹ.

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Đây là nhóm thuốc ức chế hoạt động bơm proton trong các tế bào bài tiết axit dạ dày. Từ cơ chế này, thuốc có tác dụng giảm tiết axit dịch vị. Các loại thuốc thường gặp thuộc nhóm PPI gồm: Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole và Pantoprazole.

– Thuốc ức chế H2: Có tác dụng giảm lượng axit sản xuất tại dạ dày tương tự nhóm PPI. Nhóm thuốc này gồm Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine hoặc Famotidine.

3.3. Một số lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày cấp tính

Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa ngay khi bắt gặp các dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Việc điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc.

Trường hợp chưa xuất hiện biến chứng, người bệnh sẽ dùng các nhóm thuốc trung hòa hoặc giảm tiết axit, kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP… Đồng thời, người bệnh cần kết hợp xây dựng chế độ ăn uống khoa học nhằm hỗ trợ hiệu quả điều trị.

Người bệnh có biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa cần được cấp cứu cầm máu ngay lập tức. Sau đó người bệnh cần thực hiện phác đồ điều trị thích hợp và cần được theo dõi sức khỏe liên tục.

Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị cũng như có biện pháp can thiệp kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Trên đây là các thông tin về bệnh viêm loét dạ dày cấp tính gồm nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh. Hãy điều trị ngay khi có các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh. Bên cạnh đó, mỗi người cần duy trì lối sống, chế độ ăn uống – sinh hoạt khoa học để phòng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital