Tìm hiểu tại sao stress gây viêm loét dạ dày và hướng dẫn điều trị

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra các tổn thương ở dạ dày phải kể đến đó là stress. Vậy tại sao stress gây viêm loét dạ dày, đâu là cách nhận biết và điều trị bệnh được thực hiện. Hãy tìm hiểu ngay.

1. Viêm loét dạ dày và những nguyên nhân gây bệnh

Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi lớp màng bên ngoài của dạ dày tá tràng bị bào mòn và để lộ ra phần bên trong. Từ đó, lớp niêm mạc dễ bị kích ứng và gây ra những triệu chứng thường gặp như đau bụng vùng thượng vị, khó tiêu, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn hoặc nôn, rối loạn phân, đi ngoài phân đen,…

Nguyên nhân sâu xa của viêm loét dạ dày tá tràng đến từ việc mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ (gồm chất nhầy, niêm mạc dạ dày, HCO3) và các yếu tố phá hủy niêm mạc (HCl và Pepsin ở dịch vị dạ dày). Có rất nhiều tác nhân gây ảnh hưởng hoặc dấn tới sự mất cân bằng này, bao gồm:

– Nhiễm vi khuẩn dạ dày Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra các tổn thương ở đường tiêu hóa trên)

– Stress, căng thẳng kéo dài

– Chế độ ăn uống không đảm bảo đúng khoa học

– Lạm dụng, sử dụng thường xuyên các thuốc trong nhóm kháng viêm không chứa Steroid

– Uống rượu bia, nghiện thuốc lá, hay sử dụng liên tục các loại chất kích thích.

Bệnh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể đến từ nhiều nguyên nhân trong đó có stress.

2. Tìm hiểu về stress và tại sao stress gây viêm loét dạ dày?

2.1. Cảnh báo “lên tiếng” bạn đang bị stress

Stress có thể gặp ở mọi đối tượng, đến từ nhiều nguyên nhân và ảnh hưởng tới cả sức khỏe, tinh thần của bạn. Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bạn đang bị stress bao gồm:

– Dấu hiệu thể chất: Người mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, hay bị đau nhức hoặc chuột rút, đau mỏi cơ bắp, tim đập nhanh, đau ngực, rối loạn huyết áp, buồn nôn, run tay chân, hụt hơi, vã mồ hôi, nóng cổ, chướng bụng, trào ngược,…

– Dấu hiệu tinh thần: Bị giảm sự tập trung, nhớ kém, thiếu quyết đoán, lơ ngơ, lú lẫn, mất tính hài hước, hiệu quả làm việc hay học tập đều giảm sút.

– Dấu hiệu cảm xúc: Bị căng thẳng, lo âu, hay tức giận, thất vọng, lo lắng, khó chịu,  thiếu kiên nhẫn, nóng tính, sợ hãi, trầm cảm.

– Dấu hiệu hành vi: Ăn uống mất kiểm soát, cảm thấy bồn chồn bất an, uống rượu, hút thuốc, khóc, la hét, đổ lỗi và thậm chí muốn đập phá đồ vật xung quanh.

Đây là những tín hiệu “lên tiếng” cơ thể bạn đang bị căng thẳng quá mức. Tuy nhiên, phần lớn mọi người lại cứ vậy bỏ qua những tín hiệu này và kết quả là bạn bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng và sức khỏe cũng giảm sút nhanh chóng.

2.2. Giải đáp tại sao stress gây viêm loét dạ dày?

Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thần kinh ruột (dây thần kinh phế vị hay còn được gọi là dây số X). Khi sự căng thẳng kích hoạt gây ra phản ứng trong hệ thống thần kinh trung ương của bạn. Lúc này hoạt động tiêu hóa có thể đóng cửa vì hệ thần kinh trung ương của bạn đã tắt lưu lượng máu, ảnh hưởng trực tiếp đến các cơn co thắt của cơ bóp tiêu hóa và giảm tiết enzym tiêu hóa cần thiết cho việc tiêu hóa. Chính vì thế stress và căng thẳng kéo dài có thể gây ra viêm hệ tiêu hóa và làm cho các bộ phận này dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm vi khuẩn HP.

Ngoài ra, stress có thể gây ra sự co thắt ở thực quản và làm tăng axit trong dạ dày gây ra chứng khó tiêu, ợ chua, ợ hơi. Theo đó làm tăng nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp stress căng thẳng đều gây ra loét dạ dày, viêm dạ dày, viêm đại trực tràng nhưng chắc chắn rằng khi bị stress căng thẳng có thể khiến hoạt động hệ tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn. Và nếu tình trạng này cứ diễn ra liên tục, hậu quả sẽ gây ra viêm loét dạ dày.

Tại sao stress gây viêm loét dạ dày

Stress nặng là suy giảm hoạt động tiêu hóa và dẫn tới viêm loét dạ dày.

3. Biểu hiện viêm loét dạ dày do bị stress

Ở thời điểm bệnh mới chớm nở, các triệu chứng đầu tiên của đau dạ dày, viêm dạ dày, loét dạ dày do stress thường chỉ thoáng qua như:

– Đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, chậm tiêu hóa,…

– Người bệnh thường bị chán ăn, ăn không ngon, cả người mệt mỏi vì hệ tiêu hóa lúc này làm việc không tốt.

– Lâu dần, nếu tiếp diễn stress kéo dài không xử lý các triệu chứng ngày một rõ ràng và nặng hơn như đau nhói vùng bụng, co thắt thượng vị xuất hiện liên tục.

– Bệnh viêm loét dạ dày do stress cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón.

Bệnh viêm loét dạ dày nói chung và viêm loét dạ dày do stress nói riêng thường có đặc điểm tiến triển âm thầm nhưng trở nặng nhanh chóng. Nếu không được điều trị tốt, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu ảnh hưởng tới người bệnh, gây suy giảm chất lượng cuộc sống thậm chí là nguy cơ biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày và nghiêm trọng hơn cả là ung thư dạ dày.

Biểu hiện viêm loét dạ dày do stress

Chán ăn, ăn không tiêu là biểu hiểu thường gặp ở người bệnh viêm loét dạ dày do stress.

4. Đối phó với viêm loét dạ dày do stress

Khi đã xác định rõ căn nguyên bệnh viêm loét dạ dày là do stress thì cần có những hướng điều chỉnh phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày đặc biệt ở tinh thần, chế độ nghỉ ngơi và công việc một cách hợp lý. Mục đích nhằm giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi và stress một cách triệt để thì mới có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt dần lên.

Người bệnh lưu ý những yêu cầu dưới đây trong việc điều trị viêm loét dạ dày do stress.

– Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, không làm việc quá sức, suy nghĩ tích cực, cười nhiều hơn.

– Không thức quá khuya, chú trọng tới chất lượng giấc ngủ.

– Ăn uống lành mạnh, chú ý ăn đầy đủ dinh dưỡng. Hạn chế những loại thực phẩm có tính kích thích cao như cafe, đồ có cồn, đồ ăn gia vị chua cay,…

– Tích cực vận động thể chất. Hãy dựa theo thể lực để lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp có thể là chạy bộ, tập yoga, tập gym, bơi lội,… Vận động là cách hiệu quả giúp giảm stress và cải thiện tinh thần tốt hơn.

Như vậy, bạn đã có cho mình câu trả lời tại sao stress gây viêm loét dạ dày. Để bảo vệ đường tiêu hóa khỏe mạnh, bên cạnh một chế độ ăn khoa học còn cần duy trì lối sống lành mạnh, làm việc nghỉ ngơi cân đối, ngủ đúng giờ và thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital