TCI – Kỹ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) là một trong những phương pháp thăm dò các rối loạn vận động và chức năng của thực quản. Đây cũng là tiêu chuẩn “vàng” chẩn đoán các rối loạn vận động ở thực quản.

1. Vai trò của đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao

Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (High-resolution manometry – HRM) giúp khảo sát về nhu động thực quản và kiểm tra chức năng của thực quản có đang hoạt động bình thường hay không bằng việc sử dụng các cảm biến áp lực chuyên dụng để thực hiện đo áp lực trong thực quản. Kết quả đo HRM sẽ cho biết bạn có thực sự bị trào ngược dạ dày thực quản không, mang lại giá trị chẩn đoán phân biệt và đánh giá đúng những bệnh lý liên quan đến nuốt, nghẹn. Từ đó giúp bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác, lên đúng phác đồ điều trị bệnh phù hợp.

Trên thực tế, các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, nuốt khó,… có thể đến từ nhiều nguyên nhân không chỉ là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Nhiều trường hợp người bệnh điều trị trào ngược dạ dày – thực quản nhưng thực tế căn nguyên bệnh lại không đến từ trào ngược. Khi đó, các kỹ thuật thăm dò rối loạn vận động và chức năng của thực quản sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Máy đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM

Hình ảnh máy đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM

2. Khi nào cần đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM

2.1. Trường hợp cần thực hiện đo HRM

Đo HRM đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp:

– Nuốt khó, nuốt đau, nuốt vướng, nghẹn không rõ nguyên nhân.

– Ợ nóng, ợ chua.

– Đau ngực không rõ nguyên nhân (Đã loại trừ nguyên nhân tim mạch).

– Bệnh nhân có rối loạn nuốt nghi ngờ các rối loạn nhu động thực quản (co thắt tâm vị, thực quản Jackhammer, co thắt toàn bộ thực quản,…)

– Bệnh nhân có các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày ngoài thực quản.

– Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không đáp ứng với liệu pháp ức chế acid bằng thuốc ức chế bơm proton PPI.

– Trên các bệnh nhân hệ thống (ví dụ như xơ cứng bì) có triệu chứng thực quản.

– Xác định vị trí cơ thắt thực quản dưới (LES) để đo pH thực quản.

– Đánh giá trước hoặc sau phẫu thuật cơ thắt thực quản dưới.

2.2. Trường hợp chống chỉ định

– Người bệnh có các bệnh lý về tim mạch hoặc hô hấp nặng.

– Bị dị ứng với các thành phần nhựa bên trong của máy đo.

– Bệnh nhân khẳng định/nghi ngờ có bệnh lý thực quản gây cản trở việc đặt catheter, tiền sử mổ cắt đoạn thực quản, đang nghi ngờ hoặc chẩn đoán ung thư thực quản, hẹp thực quản hoặc bệnh lý mũi họng, xuất huyết tiêu hóa trên, xơ gan (giãn tĩnh mạch thực quản).

– Phụ nữ có thai.

– Bệnh nhân có bệnh lý tâm thần kinh không hiểu được hoặc không hợp tác theo hướng dẫn của KTV.

Người bệnh thực hiện thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chi tiết các triệu chứng, tình trạng bệnh và thực hiện đo HRM khi có chỉ định.

Người bệnh tiến hành thăm khám và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ

Trường hợp thực hiện đo HRM

Người bệnh tiến hành thăm khám và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ

3. Thực hiện kỹ thuật đo HRM

3.1. Những yêu cầu cho người bệnh trước khi đo HRM

– Bệnh nhân cần nhịn ăn ít uống ít nhất 6h trước khi làm thủ thuật.

– Trong 24h trước khi làm kỹ thuật, không dùng các loại thuốc chẹn kênh Calci hoặc giãn cơ trơn.

– Nếu nội soi dạ dày – đại tràng tiền mê, kỹ thuật sẽ được thực hiện khi người bệnh đã tỉnh mê hoàn toàn.

– Không nằm trong các trường hợp bị chống chỉ định.

3.2. Quy trình thực hiện đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI thực hiện kỹ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) với quy trình chuẩn các bước như sau:

Bước 1: Tiếp nhận người bệnh

– Người bệnh khám ban đầu với bác sĩ và nhận chỉ định thực hiện đo HRM.

– Điều dưỡng làm hồ sơ đo HRM.

Bước 2: Tiến hành kỹ thuật

– Chuẩn bị người bệnh: KTV đặt mét mũi có tẩm thuốc gây tê, xịt tê họng và cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường.

– KTV đặt catheter và hướng dẫn người bệnh các cử động, yêu cầu cần thiết khi tiến hành đo. Ở bước này, sự hợp tác của người bệnh là rất quan trọng.

– KTV rút catheter.

– Chờ máy đọc kết quả. Thời gian máy phân tích kết quả khoảng 20 phút.

Bước 3: Người bệnh ăn suất ăn nhẹ và nghỉ ngơi tại chỗ.

Bước 4: Đọc kết quả với bác sĩ tại phòng khám ban đầu.

Thực hiện đo HRM

Thực hiện đo áp lực nhu động thực quản độ phân giải cao tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI

4. Giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật đo HRM

4.1. Đo HRM có đau không? Có phải gây mê không?

Thực hiện đo áp lực và nhu động thực quản HRM sẽ gây ra một số khó chịu nhất định trong quá trình KTV đặt catheter, tuy nhiên khó chịu này là không đáng kể nếu người bệnh hợp tác và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của KTV.

Ở kỹ thuật này, người bệnh sẽ được xịt gây tê họng, không gây mê vì trong quá trình thực hiện, người bệnh vẫn cần tỉnh táo để làm các thao tác cần thiết như nuốt, nằm, uống nước,…

4.2. Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao mất bao lâu?

Toàn bộ quá trình thực hiện đo áp lực và nhu động thực quản diễn ra trong khoảng 20-30 phút.

4.3. Sau khi đo HRM có cần lưu viện không? Có tác dụng phụ gì không?

Người bệnh thực hiện xong kỹ thuật đo HRM có sức khỏe bình thường, đi lại vận động thoải mái và không cần lưu viện. Đo HRM là kỹ thuật an toàn, không gây tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ không đáng kể như chảy máu cam nhẹ, đau rát họng, chảy nước mắt nước mũi, sưng nhẹ vùng mũi họng,…

Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật, các bác sĩ và KTV sẽ theo dõi sát sao về tình trạng của người bệnh. Sau thủ thuật người bệnh được đo lại huyết áp, kiểm tra mạch, hô hấp. Khi các chỉ số được xác định là bình thường, người bệnh mới ra khỏi phòng thủ thuật để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.

Người bệnh có sức khỏe bình thường sau khi đo HRM

Người bệnh được kiểm tra huyết áp đảm bảo an toàn sau khi đo HRM

5. Giải quyết căn bệnh 4-5 năm dai dẳng nhờ chẩn đoán đúng

Người bệnh H.T.C (42 tuổi) gặp các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, khó chịu vùng ngực, nuốt khó và thường bị nghẹn sau ăn. Thăm khám nhiều nơi đều được chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều đáng nói là, người bệnh đã thực hiện điều trị bằng đơn thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản, thuốc giảm tiết axit dạ dày nhưng không có hiệu quả, bị trào ngược 4-5 năm nay vẫn không khỏi. Gần đây, các triệu chứng dần trở nặng hơn, người bệnh bị nôn nhiều sau ăn, gầy sút cân nhanh (giảm 3kg trong 1 tháng) nên quyết định đến thăm khám tại chuyên khoa Thăm dò chức năng – Nội soi Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.

Dựa theo tình trạng bệnh trên lâm sàng, bác sĩ TCI chỉ định người bệnh thực hiện kỹ thuật đo HRM. Kết quả chẩn đoán người bệnh gặp chứng co thắt tâm vị, không phải trào ngược dạ dày – thực quản như các chẩn đoán trước đó khẳng định. Sau khi có chẩn đoán đúng, bác sĩ đã thay đổi đơn thuốc và chỉ định điều trị phù hợp cho người bệnh. Kết quả, sau điều trị cô C. đã giảm dần các triệu chứng khó chịu và tăng cân từ 45 cân lên 47 cân.

Từ trường hợp của ca bệnh H.T.C, chúng ta thấy rõ được giá trị của một chẩn đoán đúng và tầm quan trọng của phương pháp đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM. Có thể nói, HRM là phương pháp hiện đại bậc nhất hiện nay, là tiêu chuẩn “vàng” chẩn đoán các rối loạn vận động ở thực quản.

Liên hệ 1900 558892 để được tư vấn và đặt lịch khám khi gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, thực hiện đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital