Khuẩn HP gây viêm loét dạ dày: nhận biết và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Vi khuẩn HP là tác nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, thậm chí dẫn tới ung thư. Cảnh giác với các dấu hiệu nhiễm khuẩn từ sớm giúp bạn chủ động thăm khám và có hướng điều trị hiệu quả.

1. Khái quát về vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) sinh sống và phát triển tại niêm mạc dạ dày là loại vi khuẩn có khả năng tiết ra men và độc tố gây viêm loét dạ dày – tá tràng, cũng như làm tăng nguy cơ dẫn tới ung thư.

Vi khuẩn HP có khả năng lây lan nhanh chóng từ người qua người

Vi khuẩn HP có khả năng lây lan nhanh chóng từ người qua người

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tồn tại của vi khuẩn này không phải lúc nào cũng có hại. Cũng vì lý do này, theo khuyến cáo của thế giới, việc loại trừ vi khuẩn HP chỉ được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

Viêm dạ dày kết hợp với u MALT (loại u dạ dày có liên quan đến nhiễm khuẩn HP)

– Người bệnh được chẩn đoán loét dạ dày – hành tá tràng

Ung thư dạ dày sớm được xử lý nội soi cắt hớt niêm mạc (EMR) hoặc cắt tách niêm mạc (ESD)

– Người bệnh mắc ung thư dạ dày muộn nhưng đã phẫu thuật

– Có polyp tăng sản, ung thư biểu mô tuyến tại dạ dày (Adenoma)

– Viêm dạ dày mãn tính biến chứng viêm teo niêm mạc dạ dày.

– Người thiếu sắt hoặc vitamin B12 không rõ nguyên nhân

– Bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu

– Mắc bệnh khó tiêu chức năng

– Người lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm NSAID thời gian dài

– Người có thành viên trong gia đình (bố/ mẹ/anh chị em ruột) từng mắc ung thư dạ dày,

– Người làm việc trong môi trường nguy cơ cao như các mỏ khai thác.

– Bệnh nhân có mong muốn diệt trừ vi khuẩn HP (sau khi đã được giải thích bởi bác sĩ).

2. Triệu chứng nhiễm khuẩn HP ở người bệnh

Hầu hết người nhiễm vi khuẩn HP dạ dày đều không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi nhiễm khuẩn này gây tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng, người bệnh có thể gặp phải một số dấu hiệu như:

Đau vùng thượng vị: là một trong những triệu chứng đầu tiên người bệnh cảm nhận được. Các cơn đau thường tập trung vùng trên rốn, khi quặn thắt từng cơn, khi âm ỉ.

Đau vùng thượng vị là dấu hiệu nhận biết sớm người bệnh nhiễm khuẩn HP

Đau vùng thượng vị là dấu hiệu nhận biết sớm người bệnh nhiễm khuẩn HP

Rối loạn tiêu hóa: gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy ở người bệnh. Phân đi ra thường nát, sẫm màu, nghiêm trọng hơn có thể dính máu.

Nôn, buồn nôn: Một số bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng này khi dạ dày co bóp quá mức. Nôn không ra thức ăn mà chủ yếu là dịch dạ dày.

Chán ăn: Xảy ra khi vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày lâu ngày không được điều trị. Người bệnh có thể cảm thấy đắng miệng, ăn không ngon.

Sụt cân nhanh chóng: Các tổn thương tại dạ dày – tá tràng khiến cho khả năng hấp thụ dinh dưỡng ở người bệnh bị cản trở. Bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng sụt cân kèm theo mất ngủ.

3. Diễn tiến bệnh

Nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:

– Xuất huyết dạ dày: Là tình trạng chảy máu dạ dày do các ổ loét ăn sâu đến các mao mạch và động mạch tại đây. Đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu là các triệu chứng điển hình. Xuất huyết lâu ngày không được can thiệp có thể gây mất máu, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

– Thủng dạ dày: Viêm loét dạ dày nặng có thể gây thủng dạ dày. Đây là tình trạng cần cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ dẫn đến viêm phúc mạc. Người bệnh có nguy cơ tử vong.

– Hẹp môn vị: Đặc trưng bởi kích thước môn vị nhỏ khiến thức ăn và dịch vị tại dạ dày không thể di chuyển xuống tá tràng. Người bệnh hẹp môn vị dễ bị nôn ói sau ăn, đi kèm với các cơn đau vùng thượng vị. Nếu không được can thiệp, bệnh nhân có thể mất nước và điện giải nghiêm trọng gây suy nhược cơ thể. Hẹp môn vị cũng làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền của người bệnh, gây nguy hiểm đến tính mạng.

– Ung thư dạ dày: Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày mãn tính là tác nhân chính dẫn đến ung thư dạ dày. Triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các biểu hiện bệnh viêm loét dạ dày thông thường. Do đó người bệnh cần được nội soi sàng lọc để dự phòng biến chứng

4. Điều trị và phòng ngừa

4.1 Điều trị vi khuẩn HP gây loét dạ dày

Với những trường hợp cần điều trị diệt HP, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng kết hợp thuốc có tác dụng ức chế axit và thuốc kháng sinh diệt HP dạ dày theo phác đồ chuyên biệt.

Các phác đồ đồ thường thấy như:

– Phác đồ điều trị HP bậc 1 (liệu pháp 3 thuốc): dành cho người bệnh điều trị lần đầu hoặc nhiễm trùng nhẹ.

– Phác đồ điều trị vi khuẩn HP bậc 2 (Liệu pháp 4 thuốc): Sử dụng khi phác đồ điều trị bậc 1 không hiệu quả.

– Phác đồ điều trị vi khuẩn HP kế tiếp: Có thể được chỉ định sau phác đồ 4 thuốc, song cũng có thể được sử dụng ngay từ đầu.

– Phác đồ cứu vãn: Dành cho bệnh nhân đã sử dụng hết 3 phác đồ nêu trên nhưng chưa đạt hiệu quả điều trị,.

Một liệu trình điều trị HP thường kéo dài từ 1-2 tháng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ. Điều này có ý nghĩa quyết định tỷ lệ thành công của phác đồ.

4.2 Phòng ngừa nhiễm khuẩn HP

Vi khuẩn HP có thể lây lan qua nhiều con đường do đó, mỗi người cần có ý thức phòng tránh nhiễm khuẩn bằng cách thực hiện các gợi ý dưới đây:

Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn các thực phẩm chưa qua chế biến như gỏi, sushi, tiết canh, rau sống…

Chú trọng đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm: tránh ăn tại các hàng quán lề đường mất vệ sinh; sử dụng thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc; không ăn các thực phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, mốc…

Cẩn trọng khi tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP: không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân; không dùng chung đũa, muỗng, bát trong sinh hoạt hằng ngày; hạn chế gắp đồ ăn cho nhau; không mớm đồ ăn cho trẻ…

Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Chú ý rửa kỹ toàn bộ bàn tay, kẽ tay từ 1-3 phút để đảm bảo loại bỏ phần lớn vi khuẩn.

Đặc biệt, bạn nên chủ động kiểm tra sức khỏe tiêu hóa định kỳ 1 năm/lần để sớm phát hiện nhiễm khuẩn (nếu có) và có biện pháp điều trị kịp thời.

Thực phẩm sống chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh trong đó có HP

Thực phẩm sống chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh trong đó có HP

Hy vọng bài viết đã giúp bạn nhận diện các biểu hiện và cách điều trị vi khuẩn HP dạ dày hiệu quả. Trong trường hợp thấy xuất hiện triệu chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital