Xét nghiệm hơi thở C13 chẩn đoán vi khuẩn HP dương tính

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Hiện nay, xét nghiệm hơi thở C13 là phương pháp phổ biến tiêu biểu nhằm đáp ứng nhu cầu test nhanh chẩn đoán về vi khuẩn HP dương tính. Đây là phương pháp không xâm lấn, thực hiện đơn giản và mang giá trị chẩn đoán chính xác cao.

1. Vi khuẩn HP dương tính là gì?

1.1. Vi khuẩn HP có gây hại không?

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) hoạt động tại lớp nhầy trên niêm mạc ở dạ dày. Nhiễm khuẩn HP có tỷ lệ mắc rất cao, khoảng 70-80% dân số Việt Nam dương tính. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhiễm HP cũng có hại. Nếu người bệnh không gặp phải các triệu chứng tiêu hóa bất thường gì thì không cần quá lo ngại.

Đối với các trường hợp HP gây bệnh, vi khuẩn sẽ tiết ra một loại enzyme là Urease có tác dụng trung hòa độ acid trong dạ dày. Cơ chế này sẽ dần phá hủy lớp màng bảo vệ thành dạ dày và dẫn tới các vấn đề tiêu hóa thường gặp như viêm dạ dày, loét dạ dày hành tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP có gây hại không?

Vi khuẩn HP được biết đến là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ở đường tiêu hóa trên.

1.2. Các cách xác định HP dương tính

Với các trường hợp gặp phải các triệu chứng tiêu hóa bất thường như đau thượng vị, khó tiêu, chán ăn, ăn uống kém,… và nghi ngờ về vi khuẩn HP cần thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện 1 trong 4 xét nghiệm HP phổ biến nhất hiện nay bao gồm:

Xét nghiệm máu

– Test hơi thở (test hơi thở C13 và Test hơi thở C14)

– Xét nghiệm phân

– Sinh thiết qua thủ thuật nội soi dạ dày

Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm chẩn đoán riêng. Ở bài viết sau đây, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về phương pháp test nhanh hơi thở C13.

2. Thực hiện xét nghiệm hơi thở C13

2.1. Chỉ định xét nghiệm hơi thở C13

Test hơi thở ure C13 có thể được chỉ định sàng lọc các bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa trên trước khi nội soi bao gồm:

– Đau vùng thượng vị

– Đầy hơi

– Ợ chua

– Khó tiêu

– Buồn nôn, …

Phổ biến hơn cả, test hơi thở ure C13 được chỉ định sau điều trị HP ba tháng để đánh giá hiệu quả của phác đồ diệt H.pylori bằng kháng sinh mà không cần thiết phải nội soi dạ dày thêm một lần nữa.

2.2. Quy trình thực hiện và cơ chế xét nghiệm hơi thở

Về tổng quan, test hơi thở nói chung và test hơi thở C13 được thực hiện nhanh gọn, quy trình đơn giản. Đầu tiên, người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc hoặc 1 loại dung dịch có chứa Ure có gắn phân tử Cacbon đồng vị C13. Người bệnh có thể yên tâm về tính an toàn của loại thuốc và dung dịch này. Sau đó, người bệnh thực hiện thổi hơi thở và một dụng cụ chuyên dụng theo hướng dẫn có kỹ thuật viên.

Trường hợp có mặt của vi khuẩn HP trong dạ dày thì HP sẽ tạo ra men urease và thủy phân Ure trong thuốc hoặc dung dịch đã uống vào thành Amoniac và khí Cacbonic. Khi đó, khí Cacbonic với phân tử C13 được hấp thu vào máu và đào thải qua phổi. Xét nghiệm sẽ đo lượng C13 thải ra trong hơi thở của người test, từ đó xác định được có hay không sự hoạt động của vi khuẩn HP (sinh ra urease) trong dạ dày.

Xét nghiệm hơi thở C13

Quy trình test hơi thở C13 được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng.

2.3. Kết quả xét nghiệm hơi thở C13

Khi sử dụng Ure C13 với liều là 1μCi (0,2 mL) hòa cùng 50mL Acid citric để uống, tiến hành lấy một mẫu hơi thở trước khi người bệnh uống và một mẫu hơi thở khác được lấy ở phút thứ 10-15 sau khi người bệnh uống Ure C13. Khí CO2 sinh ra sẽ được đo bởi dụng cụ chuyên dụng. Kết quả phát hiện nhiễm vi khuẩn HP được đánh giá theo số đếm nhấp nháy trong một phút (đơn vị CPM: counts per minute) như sau:

– Giá trị từ 0 – <25 CPM là âm tính: Đồng nghĩa người bệnh hiện không nhiễm vi khuẩn HP.

– Giá trị từ 25-<50 CPM là không xác định.

– Giá trị > 50 CPM là dương tính tính: Đồng nghĩa, người bệnh đang bị nhiễm vi khuẩn HP.

Với trường hợp test hơi thở C13 sau 3 tháng điều trị H.pylori bằng kháng sinh, kết quả xét nghiệm được đánh giá như sau:

– Nếu xét nghiệm dương tính đồng nghĩa bệnh nhân vẫn đang bị nhiễm HP và phác đồ điều trị không thành công.

– Nếu xét nghiệm âm tính đồng nghĩa bệnh nhân hiện không còn bị nhiễm HP và phác đồ điều trị đã thành công.

3. Đánh giá ưu và nhược điểm của test hơi thở C13

3.1. Ưu điểm

Test hơi thở C13 được áp dụng rộng rãi nhờ những ưu điểm sau:

– Phát hiện nhanh hoạt động của vi khuẩn HP;

– Không cần xâm lấn, không cần nội soi dạ dày mà vẫn có độ nhạy và độ đặc hiệu cao

– Dễ kiểm tra sau khi thực hiện phác đồ điều trị HP;

– Giảm thiểu rủi ro sai số trong quá trình lấy mẫu;

– Không có tia phóng xạ;

– Đơn giản khi thực hiện;

– Có thể thực hiện ở nhiều đối tượng kể cả cho phụ nữ có thai và trẻ em;

– Tiết kiệm thời gian: Xét nghiệm 30 phút để lấy 2 mẫu hơi thở và 3 phút để phân tích có kết quả;

– Mức an toàn và độ tiện lợi cao cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

3.2. Nhược điểm

Vì phương pháp test hơi thở C13 không cần nội soi dạ dày nên chỉ dừng lại ở việc kiểm tra người bệnh có nhiễm HP hay không chứ không thể quan sát được chi tiết niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Vì vậy, test hơi thở không có giá trị điều trị trong các trường hợp viêm, loét nếu có.

Vì vậy, phương pháp này thường không được chỉ định với những đối tượng có các dấu hiệu nguy cơ cao như: nôn hay đại tiện ra máu, đau dạ dày lâu ngày dai dẳng, sụt cân bất thường, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, người lớn tuổi,…

Xét nghiệm hơi thở vi khuẩn HP

Người bệnh thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phương pháp xét nghiệm HP phù hợp.

4. Lưu ý khi thực hiện test hơi thở để có kết quả chính xác

Xét nghiệm qua hơi thở C13 có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả trong một số trường hợp sau đây:

– Mẫu hơi thở được lấy trong khoảng thời gian ngắn không đủ tiêu chuẩn (dưới 10 phút) sau khi người bệnh uống Ure C13 có thể sẽ cho kết quả dương tính giả.

– Kết quả âm tính giả nếu người bệnh đang trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh, muối bismuth hay các thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc sucralfate. Vì vậy, nếu có ý định thực hiện test hơi thở, người bệnh cần phải ngừng sử dụng các loại thuốc trên ít nhất trước 10 ngày.

– Để có kết quả chính xác nhất, người bệnh nên thực hiện test hơi thở trong điều kiện đói, ít nhất 4 giờ sau khi ăn. Thực hiện tốt nhất là vào buổi sáng sau một đêm không ăn uống gì.

Xét nghiệm hơi thở C13 được đánh giá là phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP an toàn, dễ thực hiện và độ chính xác cao. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế uy tín để được tiến hành xét nghiệm đúng quy trình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital