Viêm tai giữa ở trẻ em: Cách điều trị và phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn gây ra ở tai giữa, nó có thể đi kèm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Thông thường, đây là bệnh không nguy hiểm, sẽ khỏi trong vài ngày, nhưng nếu để bệnh tiến triển nặng sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, cha mẹ cần nắm rõ triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh cho con.

1. Viêm tai giữa trẻ em là gì?

Cấu tạo tai gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Viêm tai giữa ở trẻ em là nhiễm trùng tai giữa do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Vì tai giữa liên kết với cuống họng nên viêm tai giữa là chứng bệnh ở tai phổ biến và có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, liệt dây thần kinh, giảm thính lực, nói ngọng, nói không rõ âm tiết…

viêm tai giữa ở trẻ em - viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là bệnh do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, làm viêm nhiễm ở vị trí tai giữa

Viêm tai giữa có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, với trẻ em, các bé từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Do vậy, người thân cần vệ sinh tai sạch sẽ cho bé hàng ngày, phát hiện dấu hiệu bệnh sớm để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

2. Biểu hiện trẻ bị viêm tai giữa là gì?

viêm tai giữa ở trẻ em- bé bị đau tai

Trẻ bị đau tai, thường xuyên đưa tay chà xát vào tai

Nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện như sau, khả năng cao trẻ bị viêm tai giữa:

– Đột nhiên sốt cao tới 39 độ: Đây là biểu hiện điển hình của bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, cho thấy cơ thể đã bật chế độ chiến đấu với chúng.

– Đau tai, đau họng: Nốt viêm trong tai giữa khiến trẻ bị đau, lấy tay dụi vào tai nhiều lần. Tai giữa nối với cuống họng nên trẻ cũng có thể bị đau họng.

Khó ngủ, quấy khóc: Vì sốt cao và bị đau nên trẻ sẽ quấy khóc và khó ngủ.

– Chán ăn, nôn ói, thậm chí bị tiêu chảy.

– Mất thăng bằng, nghiêng sang một bên: Vì tai giữa nối với ống tai, ống tai có tác dụng cân bằng áp suất trong tai với bên ngoài nên viêm tai giữa khiến áp suất trong tai thay đổi, trẻ mất thăng bằng.

– Chảy dịch mủ ở ống tai do tình trạng viêm nặng, có thể gây biến chứng điếc nhẹ.

– Phản xạ kém với âm thanh: Do dịch mủ ứ đọng khiến bé giảm thính lực, nghe không rõ ràng dẫn đến phản ứng chậm.

3. Tại sao trẻ bị viêm tai giữa?

Viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó:

– Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vi khuẩn gram âm Escherichia Coli hoặc Staphylococcus Aureus là nguyên nhân chính gây viêm tai giữa cấp.

– Với các trẻ lớn hơn và dưới 14 tuổi, vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae, Moraxella (Branhamella) Catarrhalis hay Haemophilus Influenzae không định type là nguyên nhân chính gây viêm tai giữa; cũng có thể do β Liên cầu tan huyết nhóm A và S. aureus.

– Với trẻ lớn hơn 14 tuổi, S. pneumoniae, β- liên cầu tan huyết nhóm A, S. aureus là tác nhân gây viêm tai giữa phổ biến nhất, cũng có khả năng do  H. influenzae gây ra.

– Ngoài ra, nếu trẻ bị viêm đường hô hấp, tắc vòi nhĩ, dị ứng tai cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa.

4. Viêm tai giữa trẻ em có biến chứng nguy hiểm không?

Viêm tai giữa trẻ em thông thường không phải bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, số ít trường hợp diễn biến nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm cho tai và hệ thần kinh.

– Nếu viêm tai giữa dẫn đến vi khuẩn lan tràn trong tai gây nhiễm trùng tai, biến chứng viêm xương chũm chấp, viêm xương đá và viêm mê nhĩ có thể xảy ra.

– Nếu vi khuẩn lan tới nội sọ sẽ gây viêm màng não, áp xe não, áp xe dưới hoặc áp xe ngoài màng cứng, huyết khối xoang tĩnh mạch bên, tràn dịch não tủy. Tuy nhiên, những biến chứng nặng chiếm tỷ lệ rất thấp.

– Ngoài ra, bệnh này có thể làm giảm thính lực, thủng màng nhĩ, xơ nhĩ, liệt mặt…

5. Các phương pháp điều trị viêm tai giữa trẻ em như thế nào?

viêm tai giữa ở trẻ em - cấu tạo tai

Cấu tạo tai gồm 3 phần, viêm tai giữa xảy ra ở phần tai giữa, nối liền với cuống họng

Viêm tai giữa tiến triển theo 3 giai đoạn: Xung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Trong từng giai đoạn và dựa vào tình trạng bệnh nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Thông thường, bệnh này sẽ khỏi sau 3 – 5 ngày, tiến triển nặng hơn, bác sĩ có thể đưa ra các hướng điều trị. dưới đây:

Điều trị nội khoa:

– Sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn bộ y tế. Các loại kháng sinh được phép sử dụng gồm  Amoxicillin, Augmentin, Azithromycin, các Cephalosporin thế hệ I, II, III.

– Sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol hoặc Ibuprofen để làm dịu các cơn đau tai. Ngoài ra, để giảm đau có thể chườm khăn ấm vào tai hoặc nhỏ dầu oliu/ dầu thực vật ấm vào tai (chỉ thực hiện cách này trong trường hợp không có dịch mủ tai chảy ra).

– Nếu bé bị rách màng tai, các bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ tai như kháng sinh hay Hydrocortisone.

– Ban đầu bé sẽ được dùng kháng sinh liều nhẹ Amoxicilin, bé sẽ chuyển sang kháng sinh liều nặng khi tình trạng bệnh không cải thiện sau 18 – 24 giờ, Amoxicilin không có tác dụng, bé dị ứng Amoxicillin, bé đã dùng Amoxicilin trước đó.

Điều trị ngoại khoa:

– Phẫu thuật đặt ống thông khí trong tai, có thể đi kèm với nạo hoặc cắt amidan

– Nếu bé bị thủng màng nhĩ cần thực hiện nội soi vá nhĩ tai để đóng kín màng nhĩ, tránh viêm tai tái phát.

Theo dõi điều trị:

– Sau điều trị 1 – 4 tuần, trẻ cần được khám lại xem bé đã hết nhiễm trùng chưa, sạch dịch mủ trong tai chưa.

– Nếu vẫn còn nhiễm trùng, đây có thể là đợt mắc mới hoặc diễn tiến đợt cũ nặng hơn, cần đưa ra phương pháp điều trị khác.

6. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh cần nắm rõ một số điều sau đây:

Vấn đề vệ sinh:

– Nếu có dịch mủ, làm sạch tai hàng ngày, không lau quá sâu. Lưu ý, không nút kín tai, không để nước vào tai, để dịch mủ chảy ra ngoài.

viêm tai giữa ở trẻ em - vệ sinh tai cho bé

Vệ sinh tai sạch sẽ cho bé hàng ngày

– Sử dụng nước muối sinh lý rửa sạch mũi cho bé 2 – 3 lần/ ngày.

– Với trẻ sơ sinh, rơ lưỡi và vệ sinh miệng hàng ngày. Với trẻ lớn hơn có thể cho bé làm sạch miệng bằng việc súc miệng nước muối hàng ngày.

Vấn đề ăn uống:

– Cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu.

– Nếu bé chán ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cần thiết mỗi ngày.

– Cho bé uống nước hoa quả hàng ngày để bổ sung vitamin

– Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, tăng số lần bú cho trẻ.

– Dùng thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ, không tự ý tăng liều lượng.

Đưa trẻ đến bệnh viện nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

– Tình trạng bệnh không tốt lên sau 2 ngày điều trị

– Tăng tần suất và mức độ đau tai

– Sốt cao liên tục, uống thuốc cũng không hạ

– Quấy khóc liên miên, bỏ ăn, bỏ bú

– Nôn nhiều hoặc đi ngoài nhiều lần trong ngày.

7. Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em như thế nào?

Để phòng bệnh viêm tai giữa cho bé, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

– Giữ ấm khi trời lạnh, nhất là cổ và bàn chân.

– Hạn chế cho bé tiếp xúc với người bệnh cảm cúm.

– Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh tai, mũi, họng cho bé sạch sẽ hàng ngày.

– Tập cho bé thói quen không cho tay vào tai, mũi, miệng.

– Phát hiện và điều trị sớm các bệnh về tai – mũi – họng, tránh chuyển biến thành viêm tai giữa.

– Hạn chế cho bé tiếp xúc với khói bụi, ẩm mốc.

– Tránh sữa đổ vào tai khi cho bé bú bình.

– Không cho bé ngậm vú giả quá lâu.

– Nên cho bé bú mẹ thay vì bú bình vì sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

– Cho bé ngồi ăn thay vì nằm hoặc bế bé.

– Để bé tránh xa khói thuốc, mùi thuốc lá.

– Đưa bé đi tiêm phòng vắc xin cúm, phế cầu…

Trên đây là tổng hợp những thông tin cha mẹ cần biết về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Mọi người cần lưu ý ghi nhớ các thông tin này để sớm phát hiện và có cách điều trị, chăm sóc trẻ hiệu quả nhất. Đặc biệt, nếu nhận thấy bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng, đừng tự điều trị tại nhà, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay, điều trị sớm giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital